Theo thông báo của Air India, đội ngũ gồm 4 phi hành đoàn buồng lái của hãng đã xuất sắc hoàn thành chặng bay dài 17 tiếng đồng hồ vào hôm thứ Hai vừa qua.
“Chúng tôi là những người con gái Ấn Độ được cho cơ hội để làm nên chuyến bay lịch sử. Và chúng tôi đã tạo nên một chương mới trong lịch sử hàng không của Ấn Độ. Tôi đã chuẩn bị hơn một năm cho chuyến bay này và vô cùng vinh dự được trở thành một phần của nó”, Cơ trưởng Zoya Aggarwal, người trực tiếp điều khiển chặng đầu của chuyến bay chia sẻ.
Air India, hãng hàng không làm nên lịch sử với chuyến bay toàn nữ (Ảnh:CNN). |
“Khung cảnh Bắc Cực thật tuyệt vời. Là phụ nữ, chúng tôi muốn chứng minh rằng chúng tôi cũng có thể làm được việc”, Cơ trưởng Thanmei Papagari, người điều khiển nửa chặng sau của chuyến bay cho biết.
Chuyến bay lịch sử còn có sự tham gia của hai sĩ quan đầu tiên là Cơ trưởng Akansha Sonaware và Cơ trưởng Shivani Manhas.
Chuyến bay Air India 176, một chiếc Boeing 777, khởi hành từ San Francisco (Mỹ) vào ngày 11/1 và đáp xuống Bengaluru, phía Nam Ấn Độ vào hôm thứ Hai lúc 3h 07 phút sáng theo giờ Ấn Độ, hoàn thành quãng đường dài hơn 8.600 dặm. Đây cũng là chặng bay thẳng đầu tiên từ Nam Ấn Độ kết nối trực tiếp với Mỹ.
“Đây là chuyến bay thẳng liên tục đầu tiên giữa Bengaluru và Mỹ, kết nối hai trung tâm công nghệ của thế giới và các thành phố kết nghĩa, Thung lũng Silicon gốc và Thung lũng Silicon của Ấn Độ”, theo tuyên bố của sân bay quốc tế Kempegowda tại Bengaluru.
Cơ trưởng Zoya Aggarwal, một trong 4 người phụ nữ hoàn thành chuyến bay lịch sử (Ảnh: India Today). |
Cơ trưởng Aggarwal với hơn 10 năm kinh nghiệm cho biết cô từng thất nghiệp khi ra trường vì không có việc phi công cho phụ nữ tại Ấn, và từng nuôi giấc mơ bằng cách dạy cho các sinh viên trẻ muốn trở thành phi công. Ngay cả bố mẹ cô cũng phản đối giấc mơ này.
“Tôi còn nhớ những giọt nước mắt của mẹ khi nói với bà về giấc mơ của mình. Tôi luôn được kỳ vọng bước đi trong cái bóng của đàn ông theo “chuẩn mực” xã hội. Nhưng tôi đã nói rằng đây là điều bản thân muốn làm và đã phá bỏ cái định kiến ấy”.
Để thực hiện được hành trình lịch sử này, đội ngũ cũng phải lên kế hoạch hết sức kĩ lưỡng
“Bởi chuyến bay đi qua Bắc Cực nên có một số yếu tố cần được xem xét như vấn đề thời tiết, mức bức xạ mặt trời và sự sẵn sàng của các sân bay trong trường hợp cần thiết.”, Cơ trương Papagari cho biết. “Chuyến bay này sẽ tạo thêm cơ hội trở thành phi công cho phụ nữ. Quan niệm ngành hàng không thống trị bởi nam giới đang giảm dần. Chúng tôi đang được nhìn như những phi công, không hề có sự phân biệt”.
Việc đào tạo phụ nữ thành phi công đang được đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực hàng không Ấn Độ. Theo Trung tâm Hàng không, phụ nữ chiếm khoảng 12% tổng số phi công tại quốc gia này, trở thành tỉ lệ cao nhất trên thế giới. Trong khi tại Mỹ, phi công là phụ nữ chỉ chiếm 4%.
Năm 2017, Air India đã từng tuyên bố sẽ trở thành hãng hàng không đầu tiên bay vòng quanh thế giới với đội ngũ toàn phụ nữ.