Theo RT, ngày 29/12, Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Kamala Harris đã được tiêm chủng vaccine COVID-19 của hãng dược Moderna tại bệnh viện công United Medical Center (UMC) ở thủ đô Washington D.C, một tuần sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden được tiêm chủng.
Sau khi được tiêm liều vaccine đầu tiên, bà Harris phát biểu: "Điều đó thật dễ dàng. Tôi gần như không cảm thấy gì."
Phó Tổng thống đắc cử cũng cho biết, bà "khuyến khích" tất cả mọi người tiêm phòng vaccine và khẳng định: "Quả thực thì đây là việc làm cứu người. Tôi tin tưởng các nhà khoa học và đây là những nhà khoa học đã sản xuất và cấp phép cho vaccine."
Bà Kamala Harris tiêm vắcxin ngừa COVID-19. Ảnh: AFP |
Trước đó hồi tháng 10, bà Harris từng nói tại một cuộc tranh luận rằng bà không tin vào sự vội vàng của chính quyền trong việc sản xuất và phân phối vaccine COVID-19, khẳng định bà sẽ không tin tưởng bất kỳ loại vaccine nào được tổng thống khuyên dùng mà không phải là "các chuyên gia y tế công cộng," như Tiến sỹ Anthony Fauci.
Bà Harris là một trong những quan chức được tiêm chủng vaccine COVID-19 trước máy quay, ngoài ra còn có Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và đương kim Phó Tổng thống Mike Pence. Phu quân của Phó Tổng thống đắc cử, ông Doug Emhoff cũng đã được tiêm vaccine.
Ngày 28/12, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ thông báo đã phân phối 11.445.175 liều vaccine COVID-19 cho các địa phương trên khắp nước Mỹ và tới nay đã tiêm chủng tổng cộng 2.127.143 liều vaccine đầu tiên.
Chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 trên diện rộng ở toàn bộ 50 bang nước Mỹ bắt đầu thực hiện từ ngày 13/12.
Cơ quan trên cho biết đã phân phối 2 loại vaccine COVID-19 trong đợt đầu tiên là vaccine của Công ty Moderna (Mỹ) và vaccine do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.
Việc phân phối cùng lúc 2 loại vaccine COVID-19 được đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho việc đẩy lùi đại dịch tại Mỹ, quốc gia hiện có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới. Mặc dù công tác tiêm chủng đã được triển khai, song chuyên gia y tế hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci cảnh báo vaccine sẽ không thể phát huy tác dụng nếu người dân không nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe và chủ quan di chuyển trong nhiều dịp lễ cuối năm.
(Nguồn: TTXVN)