Tình hình dịch bệnh ở Châu Âu đang bước vào giai đoạn căng thẳng, chính vì vậy hầu hết các nước đều đang áp dụng các biện pháp kiên quyết trong việc phong tỏa và hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh.
Tây Ban Nha hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 ở châu Âu với 7.753 người nhiễm và 288 người chết. Đây quả thực là con số không hề nhỏ với quốc gia 46 triệu dân này. Từ ngày 14/3, Chính phủ Tây Ban Nha đã yêu cầu phong tỏa cả nước, người dân không được phép ra khỏi nhà.
Ý cũng đã áp dụng lệnh phong tỏa trước đó, người dân không được ra ngoài trừ khi thực sự cần thiết và phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng, các hoạt động tụ tập bị cấm. Covid-19 diễn biến xấu hơn tại Ý với hơn 3.500 ca bệnh mới và thêm gần 400 người chết, mức tăng kỷ lục sau một ngày.
CH Czech đã yêu cầu hơn 10 triệu dân không nên ra khỏi nhà, hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người.
Trong khi đó Đức lại áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới với Pháp, Áo, Thụy Sĩ, Luxembourg và Đan Mạch từ 16/3. Lệnh này chỉ được miễn trừ cho hàng hóa và "công dân Đức, những người có giấy phép cư trú. Hiện, Đức ghi nhận hơn 5.800 ca nhiễm Covid-19, trong số này có 400 ca nguy kịch, 11 người chết.
Nước Áo đã ghi nhận hơn 800 ca nhiễm và 1 người chết vì virus Covid-19. Để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, chính phủ Áo đã cấm nhập cảnh đối với người đến từ Anh, Hà Lan, Ukraine và Nga. Đồng thời cấm các cuộc tụ tập trên 5 người, yêu cầu đóng cửa nhà hàng, quán bar, địa điểm vui chơi, cơ sở phục vụ thể thao và các cửa hàng không thiết yếu.
Pháp ghi nhận hơn 120 người chết vì dịch Covid-19 và hơn 5.200 người đang được điều trị, trong đó có 400 ca nguy kịch. Chính phủ Pháp cho biết sẽ giảm tần suất chuyến bay, tàu và xe khách giữa các thành phố từ 15/3, song hệ thống tàu điện ngầm của Paris vẫn hoạt động bình thường.
Ireland đã có 170 ca nhiễm và 2 người chết vì dịch Covid-19. Chính phủ Ireland khuyến cáo tất cả các quán bar trong nước đóng cửa ít nhất tới cuối tháng 4.
Tòa thánh Vatican thông báo Lễ Phục sinh diễn ra vào tháng 4 sẽ không có người tham dự, đây là điều chưa từng có trong nhiều thập kỷ gần đây. Giáo hoàng Francis rời Vatican và đi bộ tới 2 địa điểm tại thủ đô Rome, Ý để cầu cho đại dịch chấm dứt.