Vì dịch bệnh, đa phần mọi người đều ở nhà, việc này vô tình làm tăng gánh nặng cho các bà nội trợ. Những người mẹ, người vợ ở Hàn Quốc cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức khi phải làm nhiều việc nhà. Tần suất, thời gian đứng bếp của họ thường xuyên và kéo dài hơn bình thường, trong đó có nhiệm vụ chuẩn bị ba bữa ăn chính trong ngày.
Họ phàn nàn việc phải nấu cơm cho nhiều thành viên trong gia đình, trong khi riêng việc chuẩn bị đồ ăn và sắp xếp bữa cơm đã tốn khá nhiều thời gian. Sau đó còn phải nghĩ các món ăn cho ngày tiếp theo.
Không ít người mẹ, người vợ không có thời gian nghỉ ngơi. Cuộc sống bận rộn chuyện bếp núc vì tác động của dịch bệnh khiến cụm từ “Dolbab dolbab” mang ý nghĩa phản ánh những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt trong thời gian đất nước này thực hiện cách ly xã hội.
Chưa hết, họ còn phải tìm cách công thức nấu ăn mới để thay đổi các bữa ăn cho đỡ nhàm chán. Nhu cầu mua dụng cụ bếp cũng tăng vọt. Thực tế này khiến nhiều ông chồng Hàn hiểu được nỗi vất vả của các bà vợ khi quán xuyến việc gia đình.
Đã có nhiều cuộc tranh luận về nghĩa vụ làm việc nhà của những người phụ nữ từng nổi lên ở Hàn Quốc. Thậm chí phụ nữ Hàn còn có yêu cầu chính phủ trả lương cho người nội trợ vào những năm 2000 nhưng không thành công.
Nhiều nhà chính trị tại Hàn cam kết sẽ thực hiện các chiến dịch thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ. Thế nhưng không ai đề cập đến vấn đề cải thiện phúc lợi cho các bà nội trợ toàn thời gian.