Nắm giữ thứ cả thế giới săn lùng
Bolivia, cùng với Argentina, là hai trong số 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS - khối các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Bolivia và Argentina đang chiếm vị trí thứ nhất và thứ hai về trữ lượng lithium trên thế giới, lần lượt với 21 và 20 triệu tấn. Thứ kim loại được ví von như "vàng trắng" này đang đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực sản xuất xe điện (EV), trở thành "cơn khát" đang bùng nổ của toàn thế giới. Một nghiên cứu của Đại học KU Leuven (Bỉ) cho thấy, nhu cầu về lithium sẽ tăng gấp 35 lần trong năm 2050.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu mở màn Thượng đỉnh nhóm BRICS hôm 22/8 |
Ngày 23/8 vừa qua, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15, BRICS đã tuyên bố mời thêm 6 nước gia nhập khối, bao gồm Saudi Arabia, Iran, UAE, Argentina, Ethiopia và Ai Cập. Rất tiếc, trong số này đã không có tên Bolivia.
Trước đó, vào đầu tháng 8, Ngoại trưởng Bolivia Rogelio Mayta thông báo nước này muốn gia nhập BRICS và sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh của khối tổ chức tại Johannesburg (Nam Phi) từ ngày 22-24/8.
“Chúng tôi cũng muốn nhắc lại rằng vào ngày 12/6, Tổng thống Arce đã chính thức thông báo Bolivia sẵn sàng gia nhập khối BRICS”, ông Mayta nói, đồng thời tuyên bố rằng Bolivia đã thảo luận vấn đề này với tất cả 5 thành viên của khối.
Các chuyên gia nhận định, một đất nước có tài nguyên thiên nhiên phong phú (gồm lithium, sắt, khí đốt) như Bolivia có thể tận dụng thế giới đa cực để mở rộng thương mại và quan hệ chiến lược với các nước khác.
Tổng thống Bolivia Luis Arce Katacora cho biết Bolivia đã "đặt cược vào BRICS ngay từ đầu". |
Đặt cược vào BRICS, sẵn sàng chia 'kho báu'
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Sputnik (Nga), Tổng thống Bolivia Luis Alberto Arce Catacora cho biết, Bolivia đã "đặt cược vào BRICS ngay từ đầu" bởi thế giới hiện nay đang được chia thành hai khối ở 2 thái cực: Suy thoái & Phát triển. Bolivia mong muốn trở thành một phần của sự thay đổi đang được nhiều nước hướng tới.
Ông Catacora lưu ý rằng, Bolivia hiện có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới nhưng mong muốn có thể trao đổi công nghệ và đầu tư để phát triển các mỏ lithium mà nước này hiện có.
"Chúng tôi có mọi thứ cần thiết cho hoạt động khai thác truyền thống nhưng có thể tốt hơn nếu khai thác cùng với các quốc gia thuộc nhóm BRICS các khoáng sản và kim loại quý hiếm mà Bolivia sở hữu. Tôi cho rằng thương mại, đầu tư, trao đổi và hợp tác là những lĩnh vực mà chúng tôi rất vui khi thấy các nước BRICS đang phát triển" - Ông Catacora nói.
Mặc dù Bolivia chưa thể gia nhập BRICS lần này nhưng ông Catacora cho biết bản thân thấy rất vui mừng khi Argentina trở thành thành viên của BRICS, điều đó cho thấy Mỹ Latinh quan tâm tới việc gia nhập khối.
"Chúng tôi hiểu đây là tín hiệu cho tất cả các quốc gia khi thực hiện theo thủ tục bắt buộc đối với các quốc gia BRICS. Bolivia cũng sẽ gia nhập khối này trong tương lai. Đây là một tin tức đáng khích lệ từ hội nghị" - Ông Catacora nói.
Bolivia có trữ lượng lithium (được ví như 'vàng trắng') lớn nhất thế giới. |
Theo tờ Intellinews, so với Argentina, Bolivia vốn được dự đoán có ít khả năng gia nhập BRICS hơn, do tiềm lực kinh tế yếu hơn. Với 40,4 tỷ USD, GDP của nước này chỉ bằng 1/10 GDP của Argentina hoặc Nam Phi. Dân số của Bolivia là 12,8 triệu người, với GDP bình quân đầu người chỉ ở mức 3,523 USD.
Tuy nhiên, Bolivia đang được cả Trung Quốc và Nga quan tâm đặc biệt do có trữ lượng lithium khổng lồ.
Kể từ đầu năm nay, Bolivia đã ký kết 3 thỏa thuận lithium quan trọng với 2 công ty Trung Quốc và 1 công ty Nga, tổng cam kết đầu tư lên tới 2,8 tỷ USD.
Cụ thể, Bolivia đã ký các thỏa thuận về lithium với công ty hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga và Tập đoàn Citic Guoan của Trung Quốc trong tháng 6. Trước đó, nước này đã ký thỏa thuận tương tự vào tháng 1 với nhà sản xuất pin khổng lồ CATL của Trung Quốc.
Do đó, trong tương lai, Bolivia vẫn còn cơ hội gia nhập BRICS. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS) cho biết, khi tác động của biến đổi khí hậu lan rộng trên toàn cầu, tầm quan trọng của lithium, với tư cách là khoáng sản chiến lược, "sẽ tăng theo cấp số nhân để trở thành thành phần thiết yếu cho các hệ thống năng lượng sạch trong tương lai".
"Tầm quan trọng chiến lược của lithium sẽ tăng lên khi thế giới cố gắng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về pin xe điện và năng lượng sạch. Những xu hướng này cho thấy rằng việc kiểm soát ngành công nghiệp lithium có thể mang lại những lợi ích lớn trong tương lai, điều này có thể sẽ làm gia tăng sự tranh chấp địa chính trị giữa các cường quốc" - CIS nhận định.