Giới chức phương Tây cho rằng những quốc gia có nguy cơ nhất có thể là những nước không phải thành viên của NATO hoặc Liên minh châu Âu (EU) - khiến họ trở nên đơn độc và không được bảo vệ, trong đó bao gồm nước láng giềng của Ukraina là Moldova và nước láng giềng của Nga là Gruzia - cả hai đều từng thuộc Liên Xô, cùng với các nước Balkan là Bosnia và Kosovo.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng ngay cả các thành viên NATO, chẳng hạn như Estonia, Latvia và Litva - những nước ở ngay "cửa nhà" của Nga, cũng như Montenegro, có nguy cơ hoặc bị Nga can thiệp quân sự trực tiếp, hoặc bị Nga nỗ lực gây bất ổn chính trị.
Michal Baranowski, Giám đốc Văn phòng của Quỹ Marshall Đức tại Vácsava, cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin "ngay từ đầu đã nói rằng mọi thứ sẽ không chỉ liên quan đến Ukraina".
Ông Baranowski nói với AP trong một cuộc trả lời phỏng vấn: "Putin đã nói với chúng ta về những điều ông muốn làm khi ông liệt kê danh sách các yêu cầu của mình, trong đó có việc thay đổi chính phủ tại Kiev. Tuy nhiên, ông ấy còn nói về bờ Đông của NATO và phần còn lại của Đông Âu nữa".
Mặc dù vậy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện nhận thức rất rõ về những lo ngại sâu sắc ở Đông và Trung Âu rằng cuộc chiến ở Ukraina có thể chỉ là màn dạo đầu cho các cuộc tấn công lớn hơn nhằm vào các thành viên cũ của Hiệp ước Vácsava nhằm cố gắng khôi phục sự thống trị khu vực của Moskva.
Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã nói rằng "Nga sẽ không dừng lại ở Ukraina". Ông nêu rõ: "Chúng tôi lo ngại cho các nước láng giềng Moldova, Gruzia và Tây Balkan. Chúng tôi phải để mắt đến các vùng Balk phương Tây, đặc biệt là Bosnia, nơi có thể phải đối mặt với sự bất ổn mà Nga gây ra".
Dưới đây là một cái nhìn tổng quát về tình hình khu vực.
Moldova
Giống như nước láng giềng Ukraina, nước Cộng hòa Moldova từng thuộc Liên Xô cũng chứng kiến một cuộc nổi dậy của phe ly khai ở miền Đông, tại vùng lãnh thổ tranh chấp có tên gọi Transnistria, nơi 1.500 binh lính Nga đóng quân.
Mặc dù Moldova có đường lối trung lập về quân sự và không có kế hoạch gia nhập NATO, nhưng nước này đã chính thức đệ đơn gia nhập EU nhằm nhanh chóng củng cố quan hệ với phương Tây, ngay khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu.
Quốc gia 2,6 triệu dân này là một trong những nước nghèo nhất châu Âu, và hiện đang đón tiếp hàng chục nghìn người Ukraina tháo chạy khỏi chiến tranh.
Cuộc xâm lược đã làm dấy lên những lo ngại tại Moldova không chỉ về cuộc khủng hoảng nhân đạo, mà cả về nguy cơ Putin có thể thử liên kết các thành phần ly khai ở phía Đông Sông Dniester với Ukraina thông qua cảng chiến lược Odessa của Ukraina.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thới thăm Moldova vào tuần trước và cam kết "chúng tôi sẽ sát cánh với Moldova cũng như bất cứ quốc gia nào có khả năng bị đe dọa theo cách tương tự như vậy".
Tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết hiện chưa có chỉ dấu nào cho thấy các lực lượng của Nga ở Transnistria thay đổi thái độ của họ, song cũng nhấn mạnh rằng hiện vẫn còn nhiều lo ngại. Ông Sandu nói: "Tại khu vực này hiện nay, chẳng có lý do nào để chúng tôi cảm thấy an toàn".
Gruzia
Chiến tranh đã nổ ra giữa Nga và Gruzia (Georgia) vào năm 2008 khi quân đội chính phủ Gruzia nỗ lực giành lại quyền kiểm soát tỉnh ly khai Nam Ossetia do Moskva chống lưng, nhưng đã không thành công. Nga đã tấn công quân đội Gruzia trong cuộc giao tranh kéo dài 5 ngày và khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Sau đó, Nga công nhận Nam Ossetia và một khu vực ly khai khác - Abkhazia, là các quốc gia độc lập và tăng cường sự hiện diện quân sự ở đó.
Chính phủ thân phương Tây của Gruzia đã lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraina, nhưng đã không thể hiện sự đoàn kết giống như những gì Kiev đã thể hiện trong cuộc chiến tranh Gruzia-Nga. Hàng trăm tình nguyện viên Gruzia đã bị chính quyền ngăn chặn tham gia một lữ đoàn quốc tế chiến đấu với Nga ở Ukraina.
Lập trường có vẻ trung lập của Gruzia đã kích động hàng nghìn người đổ xuống đường tuần hành vào ban đêm tại tỉnh miền Trung Tbilisi để ủng hộ Ukraina.
Tuần trước, chính phủ Gruzia đã đệ đơn xin làm thành viên EU, chỉ vài ngày sau khi tuyên bố sẽ không đẩy nhanh việc đệ trình này do những lo ngại về một cuộc xung đột với Nga ngày càng gia tăng.
Các nước Baltic
Những ký ức về sự cai trị của Liên Xô vẫn còn nguyên vẹn ở Latvia, Litva và Estonia. Kể từ sau cuộc xâm lược Ukraina, NATO đã nhanh chóng tăng cường sự hiện diện của quân đội ở các đồng minh sườn Đông của mình, trong khi Washington cam kết hỗ trợ thêm.
Đối với người dân của các quốc gia Baltic, những căng thẳng trước cuộc xâm lược ngày 24/2 gợi lại những vụ trục xuất và áp bức hàng loạt. Ba quốc gia này đã bị Josef Stalin sáp nhập tron Chiến tranh thế giới thứ hai và chỉ giành lại độc lập khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Họ gia nhập NATO vào năm 2004, đặt mình dưới sự bảo vệ quân sự của Mỹ và các đồng minh phương Tây. Họ nói rằng NATO cần phải thể hiện quyết tâm không chỉ bằng lời nói mà bằng cả những gót giày ở thực địa.
Janis Garisons, Quốc vụ khanh tại Bộ Quốc phòng Latvia, cho biết: "Nga luôn đo lường sức mạnh quân sự cũng như ý chí chiến đấu của các quốc gia. Một khi họ nhìn thấy điểm yếu, họ sẽ khai thác điểm yếu đó".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã đến thăm thủ đô Riga của Latvia hôm 7/3, cho biết các nước Baltic đã "hình thành một bức tường dân chủ chống lại làn sóng chuyên quyền" mà Nga đang thúc đẩy ở châu Âu.
Các quốc gia Balkan
Quân đội Nga sẽ khó có thể tiếp cận Balkan nếu không đánh bại được các lực lượng NATO đóng tại tất cả các nước láng giềng. Tuy nhiên, Moscow có thể gây mất ổn định khu vực như cách họ đã làm, với sự giúp đỡ của Serbia, đồng minh mà nước này đang trang bị cho xe tăng, hệ thống phòng không tinh vi và máy bay chiến đấu.
Điện Kremlin luôn coi khu vực này là phạm vi ảnh hưởng của mình mặc dù nó chưa bao giờ là một phần của khối Liên Xô. Một cuộc nội chiến tàn khốc vào những năm 1990 khiến ít nhất 120.000 người chết và hàng triệu người mất nhà cửa.
Serbia, quốc gia lớn nhất ở Tây Balkan, thường bị đổ lỗi cho việc khơi mào chiến tranh bằng cách cố gắng ngăn chặn sự tan rã của Nam Tư do Serbia lãnh đạo bằng vũ lực tàn bạo - một động thái giống như nỗ lực hiện tại của Moskva nhằm kéo Ukraina trở lại quỹ đạo bằng vũ lực quân sự.
Phương Tây lo ngại rằng giới lãnh đạo Serbia thân Moskva, những người đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Nga, có thể cố gắng lợi dụng sự tập trung chú ý vào Ukraina để gây bất ổn hơn nữa cho các nước láng giềng, đặc biệt là Bosnia, nơi người Serbia thiểu số đang đe dọa tách các vùng lãnh thổ của họ từ liên bang chung để gia nhập Serbia.
Các quan chức Serbia đã nhiều lần phủ nhận họ đang can thiệp vào các quốc gia láng giềng, nhưng đã ngầm ủng hộ các động thái ly khai của người Serbia ở Bosnia thủ lĩnh của họ là Milorad Dodik.
Đại sứ quán Nga tại thủ đô Sarajevo của Bosnia hồi năm ngoái đã cảnh báo rằng nếu Bosnia tiến hành các bước tiến tới việc gia nhập NATO, "đất nước của chúng tôi sẽ phải phản ứng trước hành động thù địch này.
Việc gia nhập NATO sẽ buộc Bosnia phải đứng về một phía trong "cuộc đối đầu quân sự-chính trị". Lực lượng gìn giữ hòa bình của EU tại Bosnia đã thông báo về việc triển khai thêm khoảng 500 binh sĩ tới nước này, với lý do "tình hình an ninh quốc tế xấu đi, điều có khả năng khiến bất ổn lan rộng".
Sau khi Nga tấn công Ukraina, Kosovo - nước tách khỏi Serbia năm 1999 khi NATO tiến hành cuộc không kích chống lại quân đội Serbia - đã yêu cầu Mỹ thiết lập một căn cứ quân sự thường trực tại nước này và đẩy nhanh tiến độ nước này gia nhập NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Kosovo Armend Mehaj viết trên Facebook: "Việc đẩy nhanh tiến trình gia nhập NATO và tiếp nhận một căn cứ thường trực của lực lượng Mỹ tại Kosovo là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Tây Balkan". Serbia cho rằng động thái này là không thể chấp nhận được.
Tuyên bố độc lập năm 2008 của Kosovo được hơn 100 quốc gia, chủ yếu là các quốc gia phương Tây công nhận, nhưng Nga và Serbia thì không.
Montenegro, một cựu đồng minh đã quay lưng lại với Nga để gia nhập NATO vào năm 2017, đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moskva vì cuộc chiến ở Ukraina và được coi là tuyến tiếp theo ở Tây Balkan gia nhập EU.
Đất nước này hiện bị chia rẽ giữa phe ủng hộ các chính sách thân phương Tây và phe thân Serbia và thân Nga, khiến căng thẳng leo thang.
Nga đã nhiều lần cảnh báo Tổng thống thân phương Tây Milo Djukanovic của Montenegro, người đã lãnh đạo nhà nước Adriatic nhỏ bé gia nhập NATO, rằng động thái này là bất hợp pháp và không được sự đồng ý của tất cả người dân Montenegro.
Với sự nỗ lực tăng cường hiện diện của mình ở Địa Trung Hải, Nga có thể hy vọng rằng rốt cuộc nước này sẽ cải thiện được quan hệ với Montenegro.
(Nguồn: TTXVN/AP)