Theo trang thống kê worldometers, tính đến 16h30 chiều 19/5 (giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận 5.003.170 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 325.218 ca tử vong. Có 1.971.193 bệnh nhân đã được chữa khỏi.
Theo trang này, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 với 1.570.583 ca nhiễm và 93.533 ca tử vong. Nga xếp thứ hai sau Mỹ về số ca nhiễm với 308.705 người nhưng số ca tử vong của nước này vẫn thấp hơn so với nhiều nước. Tây Ban Nha đứng thứ ba về số ca nhiễm với 278.803 người.
Có tổng cộng 11 nước có trên 100.000 bệnh nhân COVID-19 với lần lượt Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Brazil, Anh, Italy, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Ấn Độ.
Tại Đông Nam Á, ngày 20/5, Bộ Y tế Malaysia ghi nhận 31 ca nhiễm mới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 7.009 ca. Số ca tử vong vẫn là 114 ca. Trong khi đó, Ủy ban chống COVID-19 của Indonesia cùng ngày thông báo 693 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong một ngày tại nước này và đưa tổng số ca nhiễm lên 19.189 ca. Số ca tử vong mới là 21 ca, đưa tổng số ca tử vong lên 1.242 ca trong khi có 4.575 ca đã khỏi bệnh.
Bộ Y tế Philippines ngày 20/5 ghi nhận 279 ca nhiễm mới, cao nhất trong một ngày trong vòng 9 ngày qua và nâng tổng số ca nhiễm lên 13.221 ca. Có thêm 5 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 842 ca và thêm 89 ca khỏi bệnh, 5 ca tử vong.
Bộ trưởng Y tế nước này Francisco Duque nhận định Philippines đang đối mặt với làn sóng nhiễm COVID-19 thứ 2. Singapore ghi nhận 570 ca mới đưa tổng số lên 29.364 ca trong khi số ca tử vong vẫn là 22 ca, ngoài ra có 10.365 ca đã bình phục.
Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính nước này Heng Swee Keat và Bộ trưởng Tài chính Malaysia Tengku Zafrul Aziz ngày 19/5 đã có cuộc trao đổi trực tuyến bàn về các biện pháp phối hợp mở cửa nền kinh tế trong bối cảnh các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19 đang dần được nới lỏng.
Đây là cuộc trao đổi lần thứ hai giữa các Bộ trưởng Tài chính này kể từ khi ông Tengku Zafrul Aziz được bổ nhiệm ngày 10/3 vừa qua. Trên trang Facebook cá nhân ngày 20/5, ông Heng Swee Keat cho biết cuộc trao đổi tập trung chủ yếu vào tình hình dịch bệnh COVID-19 tại hai nước và trên thế giới. Hai bên đã chia sẻ và học hỏi lẫn nhau về các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, hỗ trợ cho doanh nghiệp và các hộ gia đình.
Ngoài ra, hai bộ trưởng cũng thảo luận về các biện pháp để phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh hai bên sẽ dần nới lỏng các biện pháp phong toả, tìm kiếm các lĩnh vực để tăng cường hợp tác thời gian tới. Hai bộ trưởng cũng tái khẳng định mối quan hệ nhiều mặt, lâu dài và sự cần thiết phải hợp tác cùng nhau.
Singapore dự kiến sẽ bắt đầu nối lại có chừng mực các hoạt động của nền kinh tế kể từ ngày 1/6, trong khi đó Malaysia dự kiến cũng sẽ mở cửa một phần nền kinh tế từ ngày 9/6. Trong một diễn biến khác, Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan ngày 20/5 bày tỏ hy vọng vaccine phòng COVID-19 sẽ có sẵn để sử dụng vào năm tới. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ghi nhận những kết quả thử nghiệm tích cực trên chuột.
Theo trung tâm này, Thái Lan sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine mRNA trên khỉ vào tuần tới và loại vaccine này dự kiến sẽ chính thức được sử dụng để tiêm phòng bệnh cho người dân nước này vào năm 2021. Vaccine do Viện nghiên cứu vaccine quốc gia, Vụ Khoa học y khoa của Bộ Y tế Thái Lan và trung tâm nghiên cứu vaccine của Đại học Chulalongkorn phối hợp phát triển.
Theo các nhà nghiên cứu, mRNA sẽ kích thích các tế bào trong cơ thể tạo ra các kháng nguyên trên bề mặt của virus SARS-CoV-2, qua đó giúp hệ miễn dịch nhanh chóng phát hiện và tiêu diệt virus. Hiện có hơn 100 loại vaccine tiềm năng phòng COVID-19 đang được phát triển trên thế giới, trong đó có một số vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để sản xuất được một loại vaccine phòng căn bệnh này, các nhà nghiên cứu sẽ phải mất ít nhất một năm.