Dù vắc xin đã được phát triển, sản xuất và phân phối với tốc độ nhanh chưa từng có trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tuy nhiên có một số yếu tố đã góp phần khiến một số liều không được sử dụng, trong đó có việc chần chừ và thông tin sai về vắc xin. Trong các chương trình phân phối vắc xin cũng có thể xảy ra tình trạng lãng phí.
Ông Prashant Yadav, chuyên gia về chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Mỹ), giải thích: "Không có ai theo dõi các liều hết hạn một cách có hệ thống khiến rất khó để biết có bao nhiêu liều sắp phải bỏ đi"
Các thông báo ở từng nước có thể phác họa nên bức tranh về tình trạng lãng phí vắc xin.
Tại Israel, theo truyền thông địa phương, 80.000 liều Covid-19 hết hạn vào cuối tháng 7. Đất nước châu Âu nhận được gần 5 triệu liều nhưng chỉ sử dụng 1,8 triệu.
Hàng trăm nghìn liều vắc xin cũng hết hạn sử dụng ở Hà Lan khi hơn một nửa dân số ở đó đã được tiêm chủng.
Ở châu Phi, nơi có hơn 2% dân số được tiêm ít nhất một liều vắc xin, hơn 450.000 liều đã hết hạn vào đầu tháng 8.
Richard Mihigo, điều phối viên về tiêm chủng và phát triển vắc xin cho văn phòng khu vực Châu Phi của WHO, giải thích: “Hầu hết các loại vắc xin được nhập tới đây đều sắp hết hạn”.
Tại Mỹ, hàng triệu vắc xin bị bỏ đi trong khi người dân ngày càng lơ là việc phòng chống dịch. Lawrence Gostin, giáo sư luật sức khỏe toàn cầu tại Đại học Georgetown, nói: "Chúng sắp hết hạn sử dụng, hư hỏng vì thiếu điện, không được chuyển đến người dân. Đó là một thảm họa”.
Hiện nay, 30,7% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 và 16% đã hoàn tất tiêm chủng. Mỗi ngày có khoảng 36,63 triệu mũi tiêm vắc xin được thực hiện. Tuy nhiên, mới chỉ 1,2% dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều.