Phát biểu tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Suga cam kết tiếp tục các chính sách kinh tế Abenomics của người tiền nhiệm Shinzo Abe và tập trung vực dậy các vùng kinh tế.
Bên cạnh đó, ông cũng cam kết củng cố hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia với mục tiêu giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn chi trả các chi phí chữa bệnh, nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu lượng khí thải CO2 và chấm dứt chủ nghĩa cục bộ trong bộ máy hành chính.
Về đối ngoại và an ninh, Thủ tướng Suga khẳng định quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ sẽ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình, đồng thời bày tỏ quyết tâm giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980.
Thủ tướng Suga khẳng định quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ sẽ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình. |
Ở tuổi 71, ông Suga thậm chí còn lớn tuổi hơn cả người tiền nhiệm đã từ chức vì lý do sức khỏe Abe Shinzo. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo giới quan sát, là lợi thế quan trọng của ông Suga về tính liên tục về chính sách, quan điểm quản trị mà ông quá thấu hiểu trong suốt gần 8 năm giúp việc cho ông Abe.
Ông Suga cam kết sẽ tiếp tục đảm nhiệm công việc từ những gì còn dang dở của ông Abe, một động thái nhằm trấn an dư luận lo ngại chuyện nước Nhật có thể lặp lại một giai đoạn trong quá khứ khi các thủ tướng liên tục đến rồi đi.
Ông cũng nói những ưu tiên cao nhất sau khi trở thành thủ tướng là ngăn chặn đại dịch COVID-19 và vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vốn đã ở tình trạng suy thoái kéo dài nay lại lao đao thêm vì dịch bệnh.
Một việc quan trọng khác nữa là ông sẽ phải bàn tính với các nhà tổ chức trong nước và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) để tìm giải pháp cứu vãn thế vận hội mùa hè năm sau, sự kiện đã phải trì hoãn một năm vì COVID-19.
Ngoài ra, ông Suga cũng phải tiếp tục đương đầu với những vấn đề ông Abe chưa giải quyết nổi trong suốt thời gian tại nhiệm như dân số già, tỉ suất sinh thấp và bất bình đẳng giới.
Căn cứ vào thời gian ông Suga đã làm việc cùng Thủ tướng Abe Shinzo, giới quan sát tin rằng ông Suga sẽ không có những quyết định kịch tính bất ngờ, rời xa lộ trình chiến lược cả về kinh tế lẫn ngoại giao của người tiền nhiệm.
Bởi thế, ngoài những nhiệm vụ cấp bách, giới quan sát tin tưởng ông Suga sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp hòa bình và đưa các công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc về nước.
Trong bối cảnh toàn cầu bấn loạn vì dịch bệnh COVID-19 và những nguy cơ địa chính trị leo thang ở châu Á, một người kế nhiệm ông Abe có thể kiên định với lộ trình hiện tại có lẽ chính là điều nước Nhật đang cần.
"Nhật Bản không phải quốc gia thường xuyên có những cải cách đột phá" - bà Christina L. Davis, giám đốc chương trình quan hệ Mỹ - Nhật tại Harvard, nhận định - "Nhất là trong thời đại khủng hoảng và không chắc chắn, việc được nhìn nhận là một nhà quản lý khủng hoảng kiên định có thể là một vốn quý".
Ông Suga sẽ đảm nhiệm phần còn lại trong nhiệm kỳ của ông Abe tới tháng 9-2021. Sau đó đến tháng 10-2021, Nhật sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử theo thông lệ để bầu ra chính phủ mới.