Ngày 17/9, Laurel Beeler, thẩm phán tòa sơ thẩm tại thành phố San Francisco, cho biết đã sẵn sàng ra quyết định chặn lệnh cấm nhằm vào WeChat vì cho rằng sắc lệnh của Trump quá mơ hồ.
Tuyên bố của bà Laurel được đưa ra sau khi nhận được yêu cầu từ cộng đồng người dùng ứng dụng này. Tuy nhiên, thẩm phán Beeler chưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Đầu tháng 8 vừa qua, Donald Trum đã ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức ở Mỹ tiến hành những giao dịch với WeChat và TikTok từ giữa tháng 9 nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia". Một số luật sư người Mỹ gốc Trung đã thành lập Liên minh Người dùng WeChat tại Mỹ, đồng thời nộp đơn kiện lên tòa án ở San Francisco cáo buộc ông Trump là vi hiến.
Họ cho rằng sắc lệnh không xác định rõ những giao dịch nào sẽ bị cấm, khiến các cá nhân và công ty không biết liệu họ có vi phạm lệnh của tổng thống hay không.
WeChat, thuộc sở hữu của Tập đoàn Tencent, được hàng triệu người ở Mỹ sử dụng để liên lạc với những người có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Trung Quốc. Ông Trump cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc gây ra mối đe doạ nghiêm trọng dù Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dự kiến công bố những giao dịch nào với WeChat sẽ bị cấm trong cuộc họp vào ngày 20/9. Bộ Tư pháp Mỹ trước đó cho biết người dùng WeChat sẽ không bị phạt hành chính hay hình sự ngay cả khi nước này cấm hoàn toàn ứng dụng Trung Quốc.
Hồi tháng 8, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết chính quyền muốn cấm các ứng dụng Trung Quốc không đáng tin cậy trên kho ứng dụng của các nhà mạng và hãng sản xuất điện thoại di động tại nước này, đồng thời xem xét cấm thêm các công ty Trung Quốc đại lục, trong đó có những tập đoàn lớn như Alibaba.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói rằng cơ sở an ninh quốc gia mà Mỹ để đàn áp các công ty Trung Quốc là "không có căn cứ". Ông Bân cũng nhấn mạnh doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành hoạt động kinh doanh theo quy tắc quốc tế và luật pháp Mỹ.