Hãy thử tưởng tượng hình ảnh dưới đây: Hai cựu lính đặc nhiệm Venezuela bị bắt trong khi đang cố gắng hạ cánh xuống một bãi biển ở Mỹ. Họ thú nhận trước máy ghi hình rằng hành động của họ là một phần trong âm mưu bắt cóc tổng thống Mỹ.
Cùng ngày, ở Venezuela, một cựu quân nhân lực lượng đặc nhiệm khác có mối liên hệ với vệ sĩ lâu năm của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro công bố một video cho biết người đàn ông làm việc cho công ty an ninh tư nhân của ông đang thực hiện một nhiệm vụ nhằm bắt giam Tổng thống Mỹ Donald Trump và hạ bệ chính phủ ở thủ đô Washington DC.
Hai ngày sau, Ngoại trưởng Venezuela, cũng là người từng đứng đầu cơ quan tình báo của đất nước, tổ chức một cuộc họp báo mà tại đó, ông phủ nhận có liên quan “trực tiếp” đến âm mưu này. Ông nói với nụ cười nhếch mép rằng: “Nếu chúng tôi tham gia, mọi việc đã khác”. Trong trường hợp này, câu hỏi đặt ra là phản ứng ở Mỹ sẽ là gì, đặc biệt là trong giới tinh hoa chính trị và truyền thông và giới an ninh quốc gia?
Bức ảnh này do văn phòng báo chí tổng thống của Venezuela công bố cho thấy Tổng thống Nicolás Maduro đang nói về các thiết bị quân sự mà ông nói đã bị tịch thu trong một vụ đột nhập vào Venezuela ngày 4/5/2020. Ảnh: AP |
Báo chí Mỹ sẽ không đưa ra vô vàn những bài viết nhằm tố cáo và chỉ trích ông Maduro? Các tin tức trên truyền hình sẽ không xoáy sâu vào vấn đề này? Liệu có ai nghi ngờ rằng quân đội Mỹ sẽ chuẩn bị tấn công các mục tiêu trên khắp Venezuela để trả thù không? Quả thực, đó chính xác là những gì chúng ta vừa chứng kiến trong tuần vừa qua, chỉ khác là ở chiều ngược lại, và không có bất kỳ cảm giác “sốc” hay phẫn nộ nào tại Mỹ.
Ngày 4/5, Venezuela đã bắt giữ 2 cựu quân nhân của lực lượng đặc nhiệm Mỹ là Luke Denman và Airan Berry sau những gì chính quyền mô tả là họ đã “hạ cánh một cách vụng về trên bãi biển ở Chuao”. Một đoạn video được công bố cho thấy cựu đặc nhiệm Denman đang khai nhận với người thẩm vấn rằng ông ta được giao nhiệm vụ bắt cóc tổng thống Venezuela.
Trong khi đó, Jordan Goudreau - cựu lính đặc nhiệm Mỹ thuộc lực lượng Mũ nồi xanh và là người đứng đầu công ty an ninh tư nhân Silvercorp USA tại bang Florida - cũng xuất hiện trong một video cùng với một cựu sĩ quan quân đội Venezuela và xác nhận rằng Denman và Berry đang làm việc cho ông. Báo chí tiết lộ rằng Goudreau đã gặp gỡ cựu vệ sĩ lâu năm của Tổng thống Trump là Keith Schiller, đã ký một hợp đồng trị giá hàng triệu USD với phe đối lập Venezuela do Mỹ hậu thuẫn, và cũng tuyên bố đã liên lạc với văn phòng của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.
Đến ngày 6/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - đã đưa ra lời phủ nhận cẩn thận đến từng chữ trong một cuộc họp báo rằng “chính phủ Mỹ không hề tham gia trực tiếp vào vụ việc này”. Ông cũng không quên khoe khoang với giới phóng viên rằng mọi chuyện “sẽ khác” nếu Mỹ đứng sau âm mưu này.
Rõ ràng, chẳng ai biết được thực hư sự thật. Có lẽ lần này Washington không hề liên quan; có lẽ ông Trump đã đúng khi nói rằng âm mưu thất bại thê thảm này, nghe có vẻ giống cốt truyện của một bộ phim dở tệ, “không liên quan gì đến chính phủ của chúng tôi”.
Trong bức ảnh do Bộ Truyền thông Venezuela phát hành, Jorge Rodriguez cho thấy một đoạn video về American Airan Berry, một cựu lính đặc nhiệm Mỹ liên kết với công ty an ninh tư nhân Silvercorp USA có trụ sở tại Florida, trong một tuyên bố được truyền hình trực tiếp tại Venezuela ngày 7/5/2020. |
Tuy nhiên một lần nữa, đây là một chính quyền của những kẻ hay nói dối và lừa gạt. Không trung thực là đặc điểm của Nhà Trắng. Do đó, sự phủ nhận của họ dường như vô giá trị. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhớ rằng sự kìm kẹp và mong muốn thay đổi chế độ Venezuela là một chủ trương được cả lưỡng đảng Mỹ đồng thuận kể từ khi cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và cơn “Thủy triều hồng” (ám chỉ thế hệ chính trị gia thiên tả) theo chủ nghĩa xã hội trỗi dậy vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước.
Vào năm 2002, chính quyền Tổng thống Geogre W. Bush khi đó đã khuyến khích và ủng hộ một cuộc đảo chính chống lại ông Chavez, dù đã thất bại. Vào năm 2015, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã đưa ra một quyết định vô lý khi chính thức tuyên bố Venezuela là một “mối đe dọa bất thường” đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Vào thời điểm đó, Mỹ có dân số nhiều hơn gấp 6 lần, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn hơn gấp 600 lần, và ngân sách cho quân sự cao hơn gấp 1.800 lần so với Venezuela. Năm 2019, chính quyền Trump đã gọi ông Maduro là tổng thống “bất hợp pháp” và công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó là “Tổng thống lâm thời” của Venezuela.
Cho đến nay, Washington đã cáo buộc ông Maduro về tội buôn bán ma túy; từ chối đình chỉ các lệnh trừng phạt làm tê liệt Caracas bất chấp sự lây lan của dịch COVID-19; triển khai các tàu chiến Mỹ tới gần Venezuela và mô tả đây là “một trong những hoạt động quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực kể từ cuộc xâm lược Panama nhằm tước quyền lực của Tướng Manuel Noriega vào năm 1989”.
Thay đổi chế độ Maduro là chính sách quá rõ ràng của Chính phủ Mỹ. Trên thực tế, chế độ ở Caracas là tàn bạo, chuyên quyền và tham nhũng. Hơn 4 triệu người dân Venezuela đã rời khỏi đất nước trong những năm gần đây; tỷ lệ người dân ủng hộ tổng thống chỉ đạt khoảng 10%. Tuy nhiên, bất kỳ ai cho rằng việc Mỹ đối đầu với ông Maduro dựa trên mối quan tâm về dân chủ hoặc nhân quyền ở Venezuela thì hoặc là không trung thực, hoặc là bị lừa dối.
Nguyên nhân của sự bất đồng giữa Mỹ và Venezuela được nhiều chuyên gia phân tích nêu ra: Vì Venezuela là nơi có trự lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. |
Mỹ có một lịch sử lâu dài về việc hỗ trợ những nhân vật quyền lực trên khắp thế giới - và đặc biệt là ở Mỹ Latinh, chẳng hạn như Tướng Efraín Ríos Montt ở Guatemala, Tướng Augusto Pinochet ở Chile, hay Tướng Jorge Rafael Videla ở Argentina... Lý do thực sự khiến Mỹ bị ám ảnh bởi việc lật đổ chính phủ ở Caracas, dĩ nhiên, là vì Venezuela có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.
Trên thực tế, ông Trump và những người bạn thân có thói quen nói “oang oang” về những mong muốn thầm kín. Như cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Andrew McCabe từng tiết lộ trong cuốn sách của ông mang tựa đề “Mối đe dọa”, tại một cuộc họp ngắn với các quan chức tình báo hồi năm 2017, ông Trump đã hỏi tại sao Mỹ không gây chiến với Venezuela, chỉ ra cách “họ có thể đạt được tất cả trữ lượng dầu đó như thế nào…”.
Tháng 1/2019, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lúc đó là ông John Bolton đã nói với tờ Fox Business: “Nếu các công ty dầu mỏ của Mỹ thực sự đầu tư và sản xuất dầu ở Venezuela, điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn cho Mỹ về mặt kinh tế”.
Chúng ta không biết liệu ông Trump và chính quyền Mỹ có liên quan đến vụ tấn công Tổng thống Maduro hay không. Tuy nhiên, những gì chúng ta biết là họ vẫn đang tiếp tục cố gắng kìm kẹp và bắt Venezuela phải phục tùng.
(Nguồn: TTX/theintercept)