• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tim Page: Kẻ cuồng nhất trong những kẻ cuồng về Việt Nam

Gan dạ và phóng khoáng, ông vượt qua ranh giới của cuộc sống và nhiếp ảnh, ghi lại những...

Tim Page, một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, từng được biết đến với tính cách “hơn người” cũng như những bức hình chiến tranh mạnh mẽ và dữ dội, đã qua đời hôm thứ Tư vừa qua tại nhà riêng ở New South Wales, Úc. Sự ra đi của nhiếp ảnh gia 78 tuổi này được bà Marianne Harris, người bạn đời của ông xác nhận là do bệnh ung thư gan.

Nhiếp ảnh gia Tim Page.
Nhiếp ảnh gia Tim Page.

Là một nhiếp ảnh gia tự do với một tinh thần phóng khoáng, những bức hình Việt Nam của ông đã xuất hiện trên nhiều ấn phẩm trên khắp thế giới vào những năm 1960. Ông Page đã từng 4 lần bị trọng thương, nặng nhất là khi một mảnh đạn văng trúng đầu khiến ông mất nhiều tháng để hồi phục.

Ông Page là một trong những nhân vật sống động nhất trong số các nhiếp ảnh gia có những bức hình góp phần định hình cục diện chiến tranh Việt Nam. Ông từng là hình mẫu cho một nhân vật nhiếp ảnh gia gây tranh cãi  do cố diễn viên người Mỹ Dennis Hopper thủ vai trong bộ phim về chiến tranh Việt Nam “Apocalypse Now” (tạm dịch: Tận thế đêm nay) của đạo diễn Francis Ford Coppola.

Một bức ảnh năm 1966 về Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Thung lũng An Lão, miền Nam Việt Nam. Ông Page được xem là đã nắm bắt được nỗi sợ của binh lính trẻ khi bị
Một bức ảnh năm 1966 về Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Thung lũng An Lão, miền Nam Việt Nam. Ông Page được xem là đã nắm bắt được nỗi sợ của binh lính trẻ khi bị "quăng vào một vùng đất xa lạ và đáng sợ" (Ảnh: Tim Page/Corbis via Getty Images)

Michael Herr, tác giả cuốn sách “Dispatches” (1977), đã gọi ông là kẻ cuồng nhất trong số “những kẻ cuồng” ở Việt Nam và chú thích rằng “ông thích mang thêm những vật dụng kỳ dị, chiếc khăn choàng và những viên bi khi tác nghiệp”.

Khi một nhà xuất bản hỏi liệu ông có thể viết một cuốn sách về vẻ hào nhoáng của chiến tranh, ông đã thốt lên rằng “Làm cái quái nào mà có thể làm được chứ”.

Nó giống như việc cố gắng loại bỏ sự quyến rũ ra khỏi tình dục, tước bỏ sự hào nhoáng ra khỏi ban nhạc Rolling Stones. Ý tôi là, ông biết điều đó là không thể”, ông nói.

Trong một bài luận năm 2016 trên tờ The Guardian, ông Page đã mô tả “nhóm anh em” của mình là “một lực lượng nòng cốt các nhiếp ảnh gia, nhà văn và một vài người làm truyền hình, những người đã quen ra chiến trường và hiểu được nỗi sợ hãi cũng như sự kinh hoàng, nhưng vẫn có thể bám rìa trận mạc”.

Trong cuốn “The Vietnam War: An Eyewitness History” (1992) (tạm dịch: Chiến tranh Việt Nam: Một nhân chứng lịch sử), tác giả Sanford Wexler đã viết: “Ông Page được biết đến như một nhiếp ảnh gia có thể đi bất cứ đâu, trong bất cứ phương tiện gì, chụp nhanh dưới mọi điều kiện và vẫn tiếp tục dù bị quấn băng do trúng đạn”.

Một chiếc trực thăng cất cánh từ bãi đất trống gần trại của Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ ở miền Trung Việt Nam sau khi bị phục kích (Ảnh: Tim Page/Corbis via Getty Images)
Một chiếc trực thăng cất cánh từ bãi đất trống gần trại của Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ ở miền Trung Việt Nam sau khi bị phục kích (Ảnh: Tim Page/Corbis via Getty Images)

Những năm cuối đời, ông Page trầm lặng hơn khi nghĩ về cái giá của chiến tranh cũng như những nỗi sợ hãi mà chiến tranh đem lại.

Tôi không nghĩ bất ai từng trải qua chiến tranh còn có thể trở về nguyên vẹn”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times năm 2010.

Ông đã xuất bản hàng chục cuốn sách, trong đó có hai cuốn hồi ký và đáng chú ý nhất là “Requiem”, một quyển tập những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia trên các chiến tuyến từng bỏ mạng trong các cuộc chiến ở Đông Dương.

Được phát hành năm 1997 với sự hợp tác cùng người đồng nghiệp Horst Faas, “Requiem” là một đài tưởng niệm mà ông xem là một trong những đóng góp lớn nhất của mình. Bộ sưu tập được đặt trưng bày thường xuyên tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Là một người đã từng cận kề với cái chết, ông Page dường như cảm thấy một sự gần gũi với những người đã thiệt mạng. “Cuối cùng, sự huyền bí của nó – sống, không sống – trở thành một bí ẩn. Và tôi không nghĩ chúng ta có đặc quyền để thực sự hiểu về nó, trừ khi trên ngưỡng cửa của cái chết”, ông nói năm 2010.

Lần đối mặt gần với cái chết nhất của ông là vào tháng 4 năm 1969, khi ông bước ra khỏi một chiếc trực thăng để giúp vận chuyển những người lính bị thương. Ông đã bị một mảnh đạn văng vào khi một người lính gần đó dẫm vào mìn.

Ông được tuyên bố là đã chết tại một bệnh viện quân đội, nhưng sau đó đã sống đi chết lại nhiều lần. Cuối cùng, ông đã đủ hồi phục để có thể chuyển về Mỹ. Tại quê nhà, ông từng trải qua nhiều tháng trị liệu và hồi phục chức năng trước khi có thể cầm được chiếc máy ảnh để trở lại làm việc.

Ông Page được sơ tán khỏi Đà Nẵng sau khi bị thương bởi một quả lựu đạn vào năm 1966. Chiếc cáng do Thiếu tá Thủy quân lục chiến Michael Styles (bên trái), và Sean Flynn, một nhiếp ảnh gia tự do, người sau đó mất tích ở Campuchia (Ảnh: AP).
Ông Page được sơ tán khỏi Đà Nẵng sau khi bị thương bởi một quả lựu đạn vào năm 1966. Chiếc cáng do Thiếu tá Thủy quân lục chiến Michael Styles (bên trái), và Sean Flynn, một nhiếp ảnh gia tự do, người sau đó mất tích ở Campuchia (Ảnh: AP).

Trong thời gian này, một sự kiện từng chiếm hầu hết cuộc đời ông sau này đã xảy ra, hai cộng sự nhiếp ảnh gia của ông đã đi xe máy dọc theo một con đường vắng ở Campuchia để tìm kiếm quân du kích Khmer Đỏ và đã không bao giờ trở lại.

Suốt những thập kỷ tiếp theo đó, ông Page đã thực hiện lặp đi lặp lại hành trình về vùng nông thôn Campuchia nhằm tìm kiếm hài cốt của hai người bạn là Sean Flynn và Dana Stone.

Ông từng có một mối quan hệ thân thiết với Flynn ở Việt Nam.

Tôi không thích ý nghĩ rằng linh hồn anh ấy bị dày vò ngoài đó. Có gì đó ma quái về việc biến mất ấy”, ông nói trong một chuyến đi đó.

Ông thừa nhận rằng việc tìm kiếm cũng là một nỗ lực để tìm thấy “sự bình yên nhất định” cho tâm hồn của chính mình, để ghép lại cái mà ông gọi là “mảnh xếp hình khổng lồ, những mảnh trời, mảnh đất

Nhiếp ảnh gia Tim Page ngày 25/5/1944 tại Royal Tunbridge Wells, Kent, Anh quốc. Ông là con trai của một thủy thủ người Anh từng thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai. Ông được nhận nuôi và chưa từng biết đến người mẹ ruột của mình.

Năm 17 tuổi, ông đã rời khỏi nước Anh nhằm kiếm tìm một cuộc phiêu lưu và để lại một mẩu giấy: “Cha mẹ thân mến, con sẽ tới châu Âu, mà cũng có lẽ là vào Hải quân, vậy nên có lẽ là thế giới. Con không biết mình sẽ đi trong bao lâu”.

Ông cũng viết một hướng dẫn về việc có thể phải nộp phạt vì một tai nạn xe máy, và kết luận rằng: “Bố mẹ sẽ không hiểu được những lý do ra đi này, nhưng đừng gọi cơ quan chức năng vì con sẽ viết thư cho bố mẹ định kỳ”.

Ông đã vượt xa khỏi châu Âu, sang tới Trung Đông, Ấn Độ và Nepal, và kết thúc hành trình tại Lào khi cuộc chiến Đông Dương bắt đầu.

Những người lính Việt Nam và một người lính Hoa Kỳ cùng với hai tù binh bị bắt bị tình nghi là du kích Việt Cộng (Ảnh: Tim Page/Corbis via Getty Images).
Những người lính Việt Nam và một người lính Hoa Kỳ cùng với hai tù binh bị bắt bị tình nghi là du kích Việt Cộng (Ảnh: Tim Page/Corbis via Getty Images).

Ông tìm được một công việc tự do với United Press International và giành được công việc nhờ những bức ảnh tại  Lào năm 1965. Ông dành phần lớn thời gian trong 5 năm tiếp theo cho Chiến tranh Việt Nam, chủ yếu làm việc cho các tạp chí Time and Life, UPI, Paris Match và The Associated Press.

Thuật nhiếp ảnh của ông gây sự chú ý bởi sự kịch tính thô sơ và cận kề với hiểm nguy. Đó là sản phẩm của sự nguy hiểm mà ông đắm mình trong các cuộc chiến có được.

Có lẽ những bức hình nổi bật nhất của Page là về các G.I”, tác giả William Shawcross đã viết vậy trong lời giới thiệu về cuốn sách “Tim Page’s Nam” (1983).

Những kẻ da trắng và da đen đáng thương bị “nhổ” khỏi hòn đảo ngu dốt và thường vô tội của trái tim nước Mỹ, và bị quăng vào một thế giới hoàn toàn xa lạ và đáng sợ mà không có sự hiểu biết hay chuẩn bị gì”.

Ông Page sau đó đã tạm nghỉ và tới Trung Đông để đưa tin về chiến tranh Ả Rập – Israel vào năm 1967.

Tháng 12 năm đó, ông bị bắt vì tội quấy rối, cùng với cố ca sĩ Jim Morrison của nhóm nhạc Doors, trong một vụ hỗn loạn tại buổi hòa nhạc ở New Haven, Conn. “Tôi nhảy và định dùng máy ảnh chụp vụ ẩu đả. Một viên sĩ quan đã túm lấy tôi và bắt đầu đánh”, ông viết trong một bài luận. Ông bị giam qua đêm.

Trong những năm 1970, ông làm công việc mà bản thân ông gọi là “nhiếp ảnh gia kỳ quái”, thâm nhập và bao quát một thế giới đầy ma túy của rock, dân hippi và các cựu chiến binh Việt Nam, chủ yếu cho những tạp chí âm nhạc như Crawdaddy và Rolling Stone.

Ông Page ở Chimpou (Campuchia) vào năm 1991, trong một số chuyến hành trình tìm hài cốt của hai nhiếp ảnh gia đồng nghiệp (Ảnh: AP).
Ông Page ở Chimpou (Campuchia) vào năm 1991, trong một số chuyến hành trình tìm hài cốt của hai nhiếp ảnh gia đồng nghiệp (Ảnh: AP).

Sau chiến tranh, ông thường trở lại Việt Nam để điều hành các studio và chụp hình những nạn nhân của chất độc da cam – hợp chất gây ung thư do quân đội Mỹ rải để phát quang rừng.

Năm 2009, ông đã dành 5 tháng tại Afghanistan với tư cách là một “Đại sứ hòa bình nhiếp ảnh” cho Liêp hợp quốc.

Ông cũng từng đến đưa tin về tình hình ở Đông Timor và quần đảo Solomon, và cuối cùng định cư gần Brisbane, Úc với công việc trợ giảng tại Đại học Griffith.

Ngoài bà Harris, ông cũng sống cùng người con trai, Kit, con trai với người vợ trước là bà Clare Clifford.

Vào thời điểm được chẩn đoán ung thư hồi cuối tháng 5, ông Page đang viết thêm hai cuốn sách cũng như một kho tàng ảnh lưu trữ của mình.

Sau tất cả những trải nghiệm sinh tử, ông hiểu bản thân không thể hồi phục khỏi căn bệnh ung thư không thể phẫu thuật được của mình.

Bạn biết đấy, chúng tôi luôn vượt qua được phía bên kia chiến tuyến, còn lần này tôi nghĩ sẽ không thể xảy ra”, ông chia sẻ qua cuộc điện thoại từ Úc, ngay sau khi nhận được chẩn đoán. “Nhưng hy vọng nó sẽ không đau đớn gì”.

Minh Nguyễn (theo New York Times)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật