• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ

Bài phát biểu chính sách của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khái quát bối cảnh thế...

Trong chương trình tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, sáng 15/11 theo giờ địa phương, tức rạng sáng 16/11, theo giờ Việt Nam, tại thành phố San Francisco, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự buổi trao đổi chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR).

Sự kiện có sự tham dự ông Michael Froman, Chủ tịch CRF và nhiều chuyên gia, học giả, cùng một số cơ quan báo chí tại Hoa Kỳ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ. Ảnh: TTXVN

Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong buổi trao đổi chính sách tại CFR:

Thưa Quý bà, quý ông

Tôi cảm ơn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) đã dành cho tôi vinh dự có mặt tại đây để trao đổi về tình hình thế giới, tình hình Việt Nam, đường lối đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Cuộc trao đổi này rất ý nghĩa khi thế giới đang trải qua nhiều thay đổi, ngay trước Tuần lễ cấp cao APEC 2023 và chỉ sau hai tháng Việt Nam - Mỹ nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Cuộc trao đổi hôm nay có thêm ý nghĩa khi diễn ra tại thành phố San Francisco, nơi các quốc gia đã ký kết Hiến chương thành lập Liên Hợp Quốc trên tro tàn của Chiến tranh thế giới lần thứ II, sự kiện lịch sử ấy thể hiện nguyện vọng chính đáng của các dân tộc về hòa bình và phát triển.

Tôi đánh giá cao uy tín và những đóng góp của CFR trong việc thông tin, phân tích sâu về các vấn đề quốc tế và tham vấn chính sách đối ngoại. Những hoạt động hợp tác trong nhiều năm qua giữa CFR với Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc và phát triển quan hệ giữa hai nước.

Thưa Quý bà, quý ông!

Thế giới dường như đang chịu tác động mạnh mẽ của ba xung lực (dynamics) lớn.

Một là, tính bất ổn và bất định gia tăng, cơ hội đan xen với thách thức, đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường khả năng thích ứng và đề cao hợp tác quốc tế.

Hai là, thế giới đang quá độ sang cục diện đa cực, đa trung tâm và chịu ảnh hưởng, tác động bởi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ.

Ba là, châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là khu vực phát triển năng động nhất, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, liên kết kinh tế và chứng kiến sự vươn lên của những cường quốc mới, nhưng cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến căng thẳng, đối đầu nếu không kiểm soát tốt.

Xu thế lớn của thế giới vẫn là hòa bình, hợp tác, phát triển, nhưng trở ngại, khó khăn nhiều hơn, diễn biến nhanh chóng hơn, phức tạp hơn, khó dự đoán hơn; cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; bùng nổ những cuộc xung đột và chiến tranh ở các khu vực; gia tăng chạy đua vũ trang, đặc biệt là nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân và chiến tranh hạt nhân.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn những rủi ro lớn, việc giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội và ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống chưa đạt hiệu quả như mong muốn của cộng đồng quốc tế.

Những vấn đề trên có nguyên nhân từ đâu? Phải chăng, là do không tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, không sử dụng và không đe dọa sử dụng vũ lực?

Phải chăng do không giải quyết tận gốc rễ yêu cầu về quyền dân tộc tự quyết và quyền chính đáng của các quốc gia?

Phải chăng, chưa coi trọng thích đáng sự phát triển bao trùm trong mỗi quốc gia và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia về phát triển bao trùm? Những nguyên nhân này cần được lý giải thấu đáo để có những biện pháp giải quyết một cách thỏa đáng.

Thưa Quý bà, quý ông

Qua gần 40 năm Đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế phát triển nhanh; hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 ở châu Á, một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có thương mại quốc tế lớn nhất, thuộc nhóm 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN trong gần 10 năm qua, là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do.

Việt Nam đã trở thành một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. Tỉ lệ hộ nghèo giảm theo chuẩn của Liên Hợp Quốc, từ trên 50% (năm 1986) xuống còn 4,3% (năm 2022). Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và xây dựng nguồn nhân lực được đẩy mạnh. Cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong quá trình đổi mới, nhân dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là cội nguồn sức mạnh, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của sự phát triển.

Để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ này, chúng tôi tập trung phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Trong quá trình ấy, người dân với tất cả quyền con người, quyền công dân là trung tâm của các chính sách và hoạch định tương lai. Chúng tôi cũng nhận thức sâu sắc là còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục và nỗ lực nhiều hơn nữa.

Nhân dịp này, tôi mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các đối tác Mỹ đối với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thưa Quý bà, quý ông

Xây dựng, phát triển đất nước song hành với bảo vệ đất nước là nhiệm vụ mang tính phổ quát của tất cả các quốc gia. Hàng nghìn năm qua, lịch sử của Việt Nam là lịch sử của dựng nước và giữ nước. Đất nước tôi đã phải trải qua những năm tháng dài chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Mỗi khi đất nước có ngoại xâm, cả dân tộc triệu người như một, đoàn kết, kiên cường chiến đấu, quét sạch kẻ thù ra khỏi bờ cõi, gìn giữ vẹn toàn non sông, giành lấy quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc. Sức mạnh để dân tộc chúng tôi vượt qua mọi gian khó chính là tinh thần đại nghĩa, chí nhân của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình và hòa hiếu, hữu nghị, tôn trọng các dân tộc khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới khẳng định: Việt Nam là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với Việt Nam.

Từ truyền thống và triết lý của dân tộc mình, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới, Việt Nam xác định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Cùng với đó, chúng tôi thực hiện đường lối quốc phòng "bốn không" là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Chúng tôi nhận thức, đối ngoại có vai trò hết sức quan trọng, tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia. Đồng thời xác định, ba chủ thể đối ngoại quan trọng là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; toàn diện về đối tác, cả song phương và đa phương, nhà nước, tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội, kinh tế, người dân; toàn diện các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh…

Trong đường lối đối ngoại của Việt Nam, quan hệ với các nước láng giềng là ưu tiên hàng đầu, quan hệ với các nước lớn có ý nghĩa chiến lược, quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, một số đối tác khác có ý nghĩa rất quan trọng và coi trọng quan hệ với các đối tác truyền thống.

Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm quan hệ đối tác chiến lược hoặc chiến lược toàn diện với tất cả các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; là thành viên của 70 tổ chức khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Việt Nam chia sẻ quan điểm chung về việc các quốc gia thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị và hợp tác, coi trọng sự bình đẳng, lợi ích chính đáng của nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Việt Nam ủng hộ việc củng cố, nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương, đa phương và tăng cường phối hợp quốc tế để làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa, chấm dứt xung đột; để giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hhợp Quốc và cứu trợ nhân đạo quốc tế...

Thưa Quý bà, quý ông

Về quan hệ Việt Nam - Mỹ. Như Quý vị đã biết, chỉ 5 tháng sau ngày Việt Nam độc lập (16.2.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Truman bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ “hợp tác đầy đủ” với Mỹ. Tuy nhiên, do những điều kiện, hoàn cảnh của lịch sử, mong muốn ấy đã phải trải qua nhiều thác ghềnh, thử thách.

Điều đáng mừng là kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, đặc biệt là sau khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013, quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả và vượt xa sự hình dung của nhiều người.

Nhiều hoạt động hợp tác nhân văn, nhân đạo đã được thực hiện, như hỗ trợ của Mỹ trong việc tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, giúp đỡ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam.

Từ năm 1973, Việt Nam đã đơn phương triển khai các hoạt động tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh và từ năm 1988 đến nay tích cực hợp tác với phía Mỹ trên vấn đề này.

Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam - Mỹ phát triển tốt đẹp như ngày nay; từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đây thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Kết quả này là do sự nỗ lực cùng nhau vượt qua những thử thách, thăng trầm lịch sử của nhiều thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước.

Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn các cơ quan, tổ chức và cá nhân của hai nước, qua nhiều thế hệ, đã không ngừng nỗ lực vun đắp và phát triển mối quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Thưa Quý bà, quý ông

Ngày 10.9.2023 vừa qua, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã ra Tuyên bố chung về việc Việt Nam - Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước chính là nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi ích ngày càng cao của hai nước, đóng góp hiệu quả hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Phương châm của Việt Nam trong quan hệ Mỹ là "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".

Chúng tôi nhấn mạnh rằng, sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tin cậy lẫn nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng.

Lãnh đạo Mỹ đã khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng". Chúng tôi xác định Mỹ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại của mình.

Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ khẳng định các nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau; nêu rõ các phương hướng lớn cho hợp tác giữa hai nước.

Một là, hai nước sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị - ngoại giao như qua trao đổi đoàn, tiếp xúc ở các cấp, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có và thiết lập cơ chế mới nếu cần thiết, thúc đẩy quan hệ giữa các đảng chính trị và cơ quan lập pháp hai nước.

Hai là, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng trọng tâm, động lực cho quan hệ, tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực sản xuất bền vững, nhất là trong các lĩnh vực như bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, tham gia các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đầu tư vào các dự án công nghệ cao.

Ba là, tạo đột phá trong hợp tác về khoa học - công nghệ; Mỹ hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nhân lực, khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ cao, trong đó có các nội dung như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh phù hợp với lợi ích của hai nước, vì hòa bình, hợp tác ở khu vực và thế giới, như nâng cao năng lực của Việt Nam trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, cứu trợ, cứu nạn, thực thi pháp luật trên biển, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Hai nước cũng đã nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; tự do hàng hải, hàng không, quyền chủ quyền và quyền tài phán của của các quốc gia ven biển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, sớm đạt thỏa thuận về COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.

Cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ có khoảng 2,4 triệu người, cùng với đó là trên 30.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ. Họ là một phần của quan hệ và cũng là cầu nối quan trọng giữa hai nước. Nhà nước Việt Nam xác định, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc và luôn coi trọng đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Việt Nam mong rằng Chính phủ Mỹ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Mỹ.

Thưa Quý bà, quý ông

Việt Nam luôn luôn mong muốn hòa bình, hợp tác và phát triển trong một thế giới mà các quốc gia cùng nhau xây dựng tầm nhìn, cùng nhau hợp tác, cùng chia sẻ trách nhiệm, vì lợi ích của người dân và của cộng đồng quốc tế.

Chúng tôi cũng tin tưởng vào triển vọng tươi sáng của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Mỹ, bởi nó phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tốt hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Chúng tôi mong muốn cộng đồng các nhà nghiên cứu, học giả của Mỹ trong đó có CFR tham gia và ủng hộ quá trình này.

Tôi xin dừng phát biểu tại đây và xin lắng nghe ý kiến của Quý bà, quý ông, và sẵn sàng trả lời những vấn đề quan tâm của quý vị!

Thanh Mai/Tổng hợp

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật