Theo Fox News, nghị sĩ Na Uy Christian Tybring-Gjedde, chủ tịch phái đoàn Na Uy tại Hội đồng Nghị viện NATO đã đề cử ông Trump cho giải Nobel Hòa bình năm 2021 vì làm trung gian thúc đẩy thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa UAE và Israel.
"Tôi nghĩ ông ấy đã cố gắng kiến tạo hòa bình giữa các quốc gia nhiều hơn so với hầu hết ứng viên được đề cử giải Nobel Hòa bình khác", ông Christian Tybring-Gjedde nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Trong thư đề cử, ông Tybring-Gjedde nói rằng, nếu các quốc gia Trung Đông khác cũng theo bước UAE, thỏa thuận này có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi, biến Trung Đông thành khu vực hợp tác và thịnh vượng.
Ông Tybring-Gjedde đánh giá cao vai trò của ông Trump trong việc tạo điều kiện cho các bên xung đột tiếp xúc, đồng thời tạo động lực mới trong các cuộc xung đột kéo dài khác, như tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan, căng thẳng Hàn - Triều cũng như đối phó với khả năng hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Tybring-Gjedde khẳng định mình không phải là người quá ủng hộ Trump nhưng ông cho rằng, Ủy ban nên xem xét mọi việc và đánh giá Trump dựa trên sự thật, không phải dựa vào cách ông Trump cư xử.
"Những người nhận được giải Nobel Hòa bình trong những năm gần đây đã làm được ít hơn nhiều so với Donald Trump. Chẳng hạn, Barack Obama không làm được gì cả", Tybring-Gjedde nói thêm.
Trước đó, vào năm 2018, ông Tybring-Gjedde cùng một quan chức Na Uy đã đề cử ông Trump nhận giải Nobel Hòa bình sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Thủ tướng Nhật Bản được cho là cũng đã làm vậy. Tuy nhiên, Trump đã không giành giải năm đó.
Ngày 13/8 vừa qua, Tổng thống Trump thông báo thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa UAE và Israel do Mỹ làm trung gian, hai nước quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao, mở cửa du lịch, làm tan băng ở Trung Đông.
Từ khi thành lập, Israel từng nhiều lần xảy ra chiến tranh với một số nước láng giềng Arab, quan hệ ngoại giao giữa các nước trở nên căng thẳng cho đến khi tranh chấp Israel - Palestine được giải quyết.
Theo điều kiện của giải Nobel Hòa bình, ứng viên được đề cử phải là thành viên quốc hội hoặc nội các của các quốc gia, thành viên của một số tòa quốc tế, giáo sư các ngành lịch sử, khoa học xã hội, luật, triết học, thần học và tôn giáo, cá nhân hoặc tổ chức từng giành giải, thành viên, cựu thành viên và cựu cố vấn của Ủy ban Nobel Na Uy. Năm 2020 có tất cả 318 cá nhân và tổ chức đã được đề cử.