“Chúng ta đang đi theo hướng rất nguy hiểm”, ông Guterres phát biểu tại phiên họp đánh dấu 75 năm thành lập của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc . “Thế giới của chúng ta không thể có một tương lai trong đó hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phân chia địa cầu ra làm hai... mỗi bên có quy định riêng về thương mại và tài chính”.
Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong phát biểu ghi hình sẵn của mình, cũng nhấn mạnh sự cấp bách của vấn đề này. Ông nói thế giới ngày nay không thể để bị cuốn theo đối đầu Mỹ - Trung, theo BBC News.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang lên cao tới mức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải tuyên bố “Trung Quốc không có ý định đối đầu trong một cuộc Chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng với bất kỳ nước nào”.
Cuộc họp Đại hội đồng năm nay bị phủ bóng đen không chỉ bởi cạnh tranh Mỹ - Trung, mà còn sự lung lay của chủ nghĩa đa phương.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều gửi đến cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc các phát biểu ghi hình sẵn. Ảnh: BBC News. |
Ông Guterres nhìn nhận đại dịch COVID-19 đã khắc sâu sự bất bình đẳng trên thế giới. Ông kêu gọi các lãnh đạo nhìn nhận đại dịch hiện nay như một lời cảnh tỉnh về những thách thức tương lai, giữa lúc hành tinh còn nóng lên.
Tuy nhiên, chỉ khoảng một giờ sau lời kêu gọi của ông Guterres, Tổng thống Trump lại phát biểu rằng các lãnh đạo nên theo gương ông và đặt lợi ích quốc gia lên trên.
Giới phân tích dự báo nếu ông Trump tái đắc cử, chủ nghĩa dân tộc “nước Mỹ trên hết” của ông sẽ rõ rệt hơn.
Nhiều tháng nay, chính quyền Trump đã chỉ trích kịch liệt Trung Quốc về hàng loạt vấn đề, từ sai lầm trong chống dịch COVID-19, can thiệp bầu cử, do thám hay đánh cắp tài sản trí tuệ ở Mỹ, cho đến cáo buộc về Tân Cương và yêu sách phi lý ở Biển Đông, theo VnExpress.
Ông Trump không được ủng hộ nhiều ở Liên Hợp Quốc, và diễn văn của ông năm nay diễn ra trong bối cảnh các thành viên Liên Hợp Quốc đang bất đồng với Washington. Ngày 21/9, ông Trump tuyên bố tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran, động thái mà cả thế giới coi là trái luật.
Mới đây, tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hướng dẫn cụ thể việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt, do Iran không tuân theo thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc. Theo thỏa thuận năm 2015, Iran đồng ý ngưng chương trình hạt nhân đổi lấy nới lỏng cấm vận, trị giá hàng tỷ USD. Nhưng ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.
(Tổng hợp)