• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trump thực sự nghĩ gì về đại dịch COVID-19?

Câu hỏi hóc búa nhất, và cũng là điều gây nhiều tranh cãi nhất, là liệu có bao nhiêu người...

Trong 3 năm đầu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ yếu tập trung vào việc củng cố quyền lực. Và giờ, khi nước Mỹ đang tiến gần tới cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 21, ông lại từ chối dùng đến quyền lực này. Thay vào đó, khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), gọi tắt là COVID-19, “xâm lược” nước Mỹ, Trump đã lựa chọn cách phủ nhận và trì hoãn.

Vào những ngày cuối tháng 3/2020, các cố vấn khoa học của Trump đã chứng minh cho ông thấy từ kết quả thu được sau 15 ngày thử nghiệm rằng COVID-19 tại các khu vực thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội có tốc độ lây lan chậm hơn hẳn so với những nơi không tuân thủ các biện pháp này.

Ông Trump vẫn tiếp tục chỉ trích báo giới khi họ gây sức ép về những phản ứng chậm chạp của Nhà Trắng
Ông Trump vẫn tiếp tục chỉ trích báo giới khi họ gây sức ép về những phản ứng chậm chạp của Nhà Trắng

Cuộc thử nghiệm cũng chỉ ra rằng nếu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng vệ, số người thiệt mạng tại Mỹ vì dịch COVID-19 sẽ “được” kiềm chế ở mức từ 100.000-240.000 người, trong khi các cố vấn chính trị nhấn mạnh rằng những cuộc thăm dò dư luận đều thể hiện mong muốn của người dân về việc gia hạn thời gian giãn cách xã hội.

Và lần đầu tiên Trump có một quyết định nhanh nhạy là kéo dài thời gian cách ly xã hội thêm 30 ngày, cho đến hết tháng 4/2020. Có vẻ như Trump, người vừa vài ngày trước còn tuyên bố rằng sẽ dỡ bỏ toàn bộ các lệnh hạn chế và “mở cửa” trở lại nền kinh tế Mỹ vào Lễ Phục sinh (ngày 12/4) - điều ông khó có thể làm vì các thống đốc bang đều đồng loạt yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa và tạm ngừng hoạt động - đã bắt đầu nhận thức nghiêm túc về đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Trump vẫn tiếp tục chỉ trích báo giới khi họ gây sức ép về những phản ứng chậm chạp của Nhà Trắng. Phủ nhận trách nhiệm về sự chậm chạp và thiếu chuẩn bị trước đại dịch, Trump đã không ít lần cho rằng “không ai biết” dịch bệnh sẽ nghiêm trọng ở mức độ này (trong khi ông từng tuyên bố về việc đã biết trước rằng một đại dịch sắp bùng phát).

Như thường lệ, Trump đổ lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama. Thực tế, ngay từ đầu tháng 1/2020, các cơ quan tình báo đã cảnh báo nhà lãnh đạo Mỹ về nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ suốt thời gian ấy, các quan chức chính quyền không thể thuyết phục Trump về cuộc khủng hoảng sắp tới gần. Trước công luận, Trump phủ nhận sự hiện dịch của dịch COVID-19 và những hệ quả của nó, cho rằng thậm chí tỷ lệ tử vong của dịch cúm mùa còn cao hơn của đại dịch này.

Một người chạy trong mặt nạ mặt chạy qua bức tranh tường ở Venice, California, cho thấy một cặp đôi đeo mặt nạ hôn nhau. Ảnh: EPA-EFE
Một người chạy trong mặt nạ mặt chạy qua bức tranh tường ở Venice, California, cho thấy một cặp đôi đeo mặt nạ hôn nhau. Ảnh: EPA-EFE

Khi có những thực tế khiến ông phải thay đổi nhận thức, vào ngày 24/2, Trump lại trấn an dư luận rằng “Mỹ đang kiểm soát tốt dịch COVID-19”, và rồi tới ngày 31/3 thừa nhận ông đã đưa ra những bình luận quá lạc quan vì “muốn người dân hy vọng”. 

Theo những nguồn tin báo chí, Trump chỉ tỏ ý coi thường dịch COVID-19 trong các phát biểu trước công chúng. Dường như Trump không xứng là người lãnh đạo nước Mỹ ở thời điểm này. Việc Trump không thừa nhận thực tế đã đẩy các bác sỹ và y tá tới chỗ phải đương đầu với dịch bệnh mà không hề có được những sự bảo vệ đầy đủ nhất, và kết quả là đã có những “chiến sỹ tuyến đầu” thiệt mạng.

Hơn thế nữa, việc thiếu hụt nghiêm trọng các bộ thử nghiệm khiến các nhà hoạch định chính sách không thể nắm rõ địa điểm và con số thực sự các ca lây nhiễm. “Nhu cầu” được tán dương của Trump đã khiến ông đưa ra những tuyên bố đầy vô lý, chẳng hạn như số trường hợp được xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Mỹ “cao hơn nhiều” so với các quốc gia khác. 

Thái độ này của Trump còn ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa chính quyền liên bang và các thống đốc. Trump đã lệ thuộc quá nhiều và quá lâu vào các cố vấn kinh tế, những người suốt nhiều tuần qua vẫn thuyết phục ông nên đặt lợi ích kinh tế lên trên vấn đề sức khỏe toàn dân.

Mãi cho tới ngày 27/3, Trump mới thực thi Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, và yêu cầu General Motors sản xuất máy thở, thiết bị đặc biệt cần thiết trong cuộc chiến chống COVID-19. Phản ứng của chính quyền Trump dường như cũng bao gồm màu sắc chính trị với những ưu ái nhất định.

Bang Florida của Thống đốc Ron DeSantis, thành viên đảng Cộng hòa, được nhận nhiều viện trợ liên bang hơn hẳn những bang có người đứng đầu thuộc đảng Dân chủ, vốn có mâu thuẫn với Trump.

  Một khách hàng đeo mặt nạ bảo hộ và găng tay, rời đi, mua táo tại chợ nông sản ở San Francisco vào thứ Tư. Ảnh: Bloomberg

Một khách hàng đeo mặt nạ bảo hộ và găng tay, rời đi, mua táo tại chợ nông sản ở San Francisco vào thứ Tư. Ảnh: Bloomberg

Có thể nói, hệ thống liên bang Mỹ vừa là trở ngại, vừa là cứu cánh cho cuộc chiến chống SARS-CoV-2 của Trump khi một mặt chúng dẫn đến những mâu thuẫn chính sách, và mặt khác lại trở thành tấm bình phong cho sự yếu kém của nhà lãnh đạo phi truyền thống này.

Trump vẫn nhất quyết không tuyên bố COVID-19 là cuộc khủng hoảng toàn quốc, khiến các bang phải tự có cách phản ứng riêng và thậm chí là cạnh tranh nhau để có được các thiết bị y tế khẩn cấp. Điều này có lẽ bắt nguồn từ những gì mà Trump từng tuyên bố trong một cuộc họp báo hồi giữa tháng 3, rằng ông “không chịu trách nhiệm” về việc thiếu hụt khẩu trang.

Hay nói cách khác là đẩy quả bóng trách nhiệm về phía các thống đốc bang. Kiểu hành xử đổ lỗi này dường như đã trở thành “nguyên tắc” và thông lệ của Trump cũng như giới lãnh đạo đảng Cộng hòa. 

Người ta có thể sẽ không bao giờ biết được rằng Trump thực sự nghĩ gì về đại dịch COVID-19. Điều duy nhất rõ ràng lúc này là con số lây nhiễm SARS-CoV-2 thực sự đã lên tới mức báo động khi số người Mỹ thiệt mạng vì loại virus này tính đến chiều 3/4 (giờ Việt Nam) đã vượt quá mốc 6.000 người và gần 250.000 ca lây nhiễm.

Trên thế giới, hơn 1 triệu người đã mắc bệnh, trong khi những gì nhân loại biết về SARS-CoV-2 phần lớn vẫn chỉ là các giả thuyết. Trên mặt trận kinh tế, trong tuần vừa qua, đã có 6,6 triệu người Mỹ mất việc làm.

Một cuộc khủng hoảng kéo dài và trầm trọng đang ở rất gần. Khi khủng hoảng qua đi, sẽ có rất nhiều nghiên cứu về những gì đã diễn ra cùng nguyên nhân của nó. Tuy nhiên, câu hỏi hóc búa nhất, và cũng là điều sẽ gây nhiều tranh cãi nhất, là liệu có bao nhiêu người đã phải thiệt mạng chỉ vì sự lãnh đạo của Donald Trump?

Đường phố New York vắng tanh giữa dịch COVID-19

Dữ liệu đang được cập nhật.

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật