Nhu cầu đậu nành của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trong năm 2020 này. Nhưng vấn đề hóc búa là Trung Quốc lấy nguồn cung từ đâu. Bởi vì Bắc Kinh vừa muốn cố gắng tránh xa sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, nhưng đồng thời vẫn đáp ứng được các cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ.
Giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lo ngại về an ninh lương thực khi mối quan hệ với Mỹ trở nên bất ổn. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại với Mỹ nổ ra, Trung Quốc đã tăng cường tự lực vào các ngành sản xuất và chế biến thực phẩm.
Năm 2019, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 86% đậu nành để phục vụ tổng nhu cầu nội địa. Theo Bộ Nông nghiệp nước này, lượng đậu nành nhập khẩu chủ yếu được sử dụng làm nguyên liệu chính cho thức ăn chăn nuôi và dầu ăn. Brazil và Mỹ là 2 nhà cung cấp đậu nành lớn nhất trên thế giới.
Trung Quốc hiện nhập khẩu hơn 80% đậu nành. |
Gu Zhenchun, phó Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc, phát biểu với Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hôm thứ Hai rằng khu vực phía Đông Bắc phải nghiên cứu các nguồn cung cấp thay thế nhằm giảm phụ thuộc vào đậu nành nhập khẩu. Đây là khu vực gồm các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh và Nội Mông, cung cấp 26% sản lượng đậu nành của Trung Quốc
Trước tình hình xung đột thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, cùng với tác động của đại dịch COVID-19, vấn đề an ninh lương thực đối với quốc gia đông dân nhất thế giới càng trở nên cấp bách hơn. Thay thế nguồn đậu nành nhập khẩu để giảm sự phụ thuộc nhập khẩu đã trở thành trọng tâm cho các cơ quan chính phủ và các nhà nghiên cứu.
Hồi tháng 9/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đi thăm các đại nông trang ở tỉnh Hắc Long Giang. Qua đó ông Tập muốn gửi thông điệp rằng, Trung Quốc cần thúc đẩy sản xuất cây trồng chủ lực để tăng cường an ninh lương thực trong cuộc chiến thương mại.
Các học giả Trung Quốc Li Wei và Zhao Lan tại trường Đại học Renmin ở Bắc Kinh cũng chỉ ra trong một bài báo xuất bản trong tháng 5 này rằng, Trung Quốc lâu nay quá phụ thuộc vào nguồn đậu nành nhập khẩu từ Mỹ và Brazil. Trong khi đó, mối quan hệ của Bắc Kinh với cả hai nước nói trên đã xấu đi từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.
Nhu cầu nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc đã giảm trong 2 năm qua, mà nguyên nhân phần lớn là do dịch tả heo châu Phi đã tàn phá đàn heo của quốc gia này. Mặt khác, sản lượng đậu nành năm ngoái của chính nước này đã tăng 13,3% lên mức kỷ lục 18,1 triệu tấn. Đây là kết quả của việc tăng gần 11% diện tích trồng lên 9,3 triệu ha.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm các đại nông trang ở tỉnh Hắc Long Giang. |
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc hồi tháng Tư, sản lượng đậu nành của Trung Quốc sẽ tăng 3,9% trong năm 2020, với mức tăng 1,6%. Nhưng các nhà phân tích cho biết Trung Quốc không thể nâng sản lượng đậu nành trong nước đủ để thay thế nhập khẩu.
Vấn đề ở chỗ Trung Quốc không có đủ diện tích đất phù hợp cho đậu nành và các loài cây có thể thay thế đậu nành để thực hiện chính sách tự túc. Giáo sư Ke Bingsheng, cựu Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp và là cố vấn của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, cho biết sẽ tốt hơn khi nước này dựa vào nhập khẩu đậu nành bất chấp căng thẳng với các đối tác thương mại lớn nhất.
Theo giáo sư Ke Bingsheng, để thay thế nhập khẩu đậu nành hàng năm, diện tích đất cần có sẽ tương đương với diện tích canh tác của toàn bộ phía Đông Bắc và Bắc Trung Quốc. Nhập khẩu đậu nành sẽ tương tự nhập khẩu đất trồng trọt, yếu tố mà Trung Quốc thiếu.
Trước đây, có những lo ngại giữa các quan chức và chuyên gia rằng việc Trung Quốc ngày càng tăng nhập khẩu đậu nành sẽ là một sự bất lợi trong tình huống xung đột. Tuy nhiên, cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung trong hai năm qua đã cho thấy quan điểm này đã hoàn toàn không phù hợp.
Mặc dù đậu nành là một yếu tố quan trọng trong cuộc xung đột thương mại, nhưng nó không trở thành công cụ trừng phạt của Mỹ. Trái lại, đậu nành là một vũ khí quan trọng mà Trung Quốc dùng để trả đũa đối phương.
Liệu Trung Quốc có vi phạm thỏa thuận với Mỹ? |
Khó có thể tự túc về nguồn cung, cùng với sức ép từ Mỹ, Bắc Kinh chỉ còn một lựa chọn là buộc phải tiếp tục nhập khẩu đậu nành. Là một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc đã đồng ý mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm, bao gồm khoảng 32 tỷ USD hàng hóa nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết hồi đầu tháng 5 rằng hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Theo báo cáo tháng Năm, Standard & Poor's cho biết có thể Trung Quốc sẽ phải tăng lượng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, nếu ngành chăn nuôi phục hồi và mối đe dọa từ dịch tả heo châu Phi được ngăn chặn.
Tuy nhiên, điểm chung là lượng nhập khẩu thường tăng và giảm cùng với chiều của tổng sản phẩm quốc nội hàng năm. Theo dự báo, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong 2 năm tới sẽ thấp hơn nhiều so với khi thỏa thuận thương mại Mỹ -Trung giai đoạn một được ký kết. Và điều đó có thể khiến Trung Quốc vi phạm cam kết với Mỹ.