Trong bài luận ngắn “What Went Wrong?” (tạm dịch: "Chuyện gì đã xảy ra vậy?") được viết trước vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, nhưng được xuất bản ngay sau đó, nhà sử học người Mỹ gốc Anh Bernard Lewis đã đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa Hồi giáo và thế giới hiện đại. Điều gì đã xảy ra khiến mọi thứ trở nên tồi tệ như vậy?
Và người ta chỉ có thể đặt câu hỏi tương tự sau cuộc tấn công chớp nhoáng của Taliban và cuộc tháo chạy của các lực lượng chính phủ Afghanistan.
“Chuyện gì đã xảy ra vậy?”. Làm thế nào mà người Mỹ ở tuyến đầu, và đứng sau họ là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lại có thể thất bại hoàn toàn, nhanh chóng và toàn diện đến như vậy?
Rất nhiều người đã hy sinh vô ích, rất nhiều tiền bạc đã được đổ ra để tái tạo một đội quân từ chối chiến đấu, gây dựng lại một chính quyền đang tan rã và cố gắng thống nhất một quốc gia đang sụp đổ chỉ với một cú sốc nhỏ nhất.
Và cuối cùng, cú sốc đó chẳng khác nào phát súng ân huệ, để tiếp đó là một cuộc rút quân đơn phương, trên thực tế là vô điều kiện, và quân đội phương Tây được điều động trở lại chỉ với nhiệm vụ duy nhất là kiểm soát sân bay Kabul để đảm bảo cho sự hồi hương của đồng bào còn mắc kẹt ở Afghanistan!
Một số người sẽ nói rằng nhiệm vụ là bất khả thi, rằng cuộc gặp gỡ giữa Afghanistan, một quốc gia được biết đến là "nghĩa địa của các đế quốc" và một cường quốc thiếu kiên định như Mỹ chỉ có thể dẫn đến một kịch bản thảm họa như vậy.
Do đó, điều ngạc nhiên duy nhất không phải là sự thất bại, mà là sự chóng vánh trong lịch trình của nó. Tất nhiên về lý thuyết, tương quan lực lượng dường như có lợi cho chính quyền Afghanistan, ít nhất cũng gấp ba lần quân Taliban nếu xét về số lượng, đồng thời cũng được cung cấp các trang thiết bị quân sự chất lượng hơn.
Nhưng vấn đề quan trọng ở đây trước hết phải là sự cân bằng của các ý chí chính trị. Người Afghanistan biết rằng không giống như Taliban, phương Tây không có ý định ở lại. Các lực lượng Afghanistan không được lãnh đạo bởi các nhà lãnh đạo chính trị hoặc các lãnh chúa có uy tín.
Sự thật có thể khó chấp nhận. Tại các vùng nông thôn, sự tiến công thần tốc của Taliban không được coi là một mối đe dọa. Trên thực tế, đa số nông dân có thể nhìn thấy trong chiến thắng của Taliban một viễn cảnh chiến tranh kết thúc.
Thiệt hại do các cuộc ném bom của lực lượng liên quân phương Tây đã khiến một bộ phận không nhỏ người dân Afghanistan lo ngại. Nhưng con người có những ký ức ngắn ngủi, cho dù là người Mỹ với những ký ức đau đớn về ngày 11/9/2001 hay người Afghanistan với những ác mộng tàn bạo về Taliban từ năm 1995-2001.
Người phương Tây bẩm sinh có tính khí thất thường. Họ thay đổi mức độ ưu tiên như khán giả truyền hình thay đổi kênh. Ở thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, Trái Đất nóng lên và sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì một sự hiện diện ở Kabul được đa số người dân Mỹ coi là lạc hậu, nếu không muốn nói là gây xao nhãng.
Đi theo bước chân của Donald Trump, Tổng thống Joe Biden chỉ biết đáp lại mong muốn của “người dân”. Nhưng chủ nghĩa theo đuôi của ông lại gây ra những hậu quả đáng kể trong khu vực và toàn cầu.
Việc Taliban trở lại Kabul không nhất thiết đồng nghĩa với sự hỗn loạn hoặc sự hồi sinh sào huyệt cho những kẻ khủng bố, nhưng cuộc nội chiến Afghanistan sẽ kết thúc với chiến thắng thuộc về phe theo chủ nghĩa ngu dân mà phương Tây ra sức chống lại.
Chắc chắn các diễn văn của Taliban sẽ nhập nhằng nước đôi, giống như những sắc thái được thấy trong các cuộc đàm phán trước đây giữa các nhà đàm phán ở Doha, vốn đề cao lợi ích của vấn đề giáo dục cho tất cả (bao gồm phụ nữ) với các thủ lĩnh chiến tranh của phong trào này.
Và có đủ mọi lý do để tin vào Taliban khi họ nói tới việc áp dụng Luật Hồi giáo (Sharia) theo nghĩa thông dụng nhất của từ này. Diễn biến tình hình khiến các nước láng giềng lớn của Afghanistan không khỏi lo lắng.
Không chỉ Ấn Độ đang tự hỏi liệu lập trường của Taliban có tạo nên sự khích lệ đối với những người Hồi giáo trong nước mang tư tưởng chính thống nhất hay không, mà cả Pakistan cũng có lý do tương tự.
Cả Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc trong thâm tâm đều không quan tâm đến hoàn cảnh của phụ nữ ở Afghanistan dưới quyền Taliban.
Áp đặt luật Sharia ở Afghanistan là một chuyện, nhưng tiếp tục thúc đẩy sự mở rộng của chủ nghĩa chính thống cấp tiến liên quan đến al-Qaeda là chuyện khác.
Trung Quốc đã đàm phán trực tiếp với Taliban từ nhiều tháng trước với những nhân vật mới (hay những người chủ cũ của Afghanistan). “Bạn cứ làm bất cứ điều gì bạn muốn trong ngôi nhà của mình, nhưng bạn đừng nên khích lệ người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, và rộng hơn là những người theo chủ nghĩa Hồi giáo chính thống trên thế giới....”.
Việc đàm phán chuyển giao quyền lực cho Kabul diễn ra ở Doha không chỉ là một bước ngoặt trong lịch sử Afghanistan. Đây là bước thụt lùi nghiêm trọng nhất của phương Tây kể từ khủng hoảng Suez năm 1956. Nó xảy ra khi chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày 11/9 và chỉ 10 năm sau sự hình thành của Mùa xuân Ảrập.
Nếu như năm 1975, sau khi Sài Gòn thất thủ, cả Liên Xô của Leonid Brezhnev và Trung Quốc của Mao Trạch Đông đều không thể khai thác triệt để sự nhục nhã của Mỹ, thì giờ đây Trung Quốc của Tập Cận Bình đang làm được.
Sẽ rất dễ để Bắc Kinh đưa ra những quân bài của mình, phơi bày những mâu thuẫn của Mỹ, kiểu "Có phải bạn đang bỏ mặc phụ nữ Afghanistan cho số phận ngày hôm nay để rồi tuyên bố bảo vệ Đài Loan vào ngày mai?".
Với kiểu phát biểu với Taliban như “Sharia thì được, còn al-Qaeda thì không”, Trung Quốc đã tự thể hiện mình là tuyến đầu chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, rồi tiềm ẩn "bắt phương Tây làm con tin" như Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề người di cư gần đây.