• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc từ bỏ mục tiêu tăng trưởng để chống đói nghèo, thất nghiệp

Không còn nặng nề với mục tiêu GDP nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn có hàng loạt áp lực kinh...

Bắc Kinh vừa quyết định từ bỏ việc ấn định mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020, với nhận định tái khởi động nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 sẽ là một tiến trình khó khăn và lâu dài.

Ngày 22/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ ba Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) Khóa XIII, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường giải thích: “Phát triển kinh tế có nguy cơ bị một loạt nhân tố khó dự đoán làm ảnh hưởng”.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu trong buổi khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc Hội) tại Đại sảnh đường Nhân Dân, Bắc Kinh ngày 22/05/2020. (Ảnh: Reuters).
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu trong buổi khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc Hội) tại Đại sảnh đường Nhân Dân, Bắc Kinh ngày 22/05/2020. (Ảnh: Reuters).

Lần đầu tiên không ấn định mục tiêu tăng trưởng

Không còn nặng nề với mục tiêu GDP nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn có hàng loạt áp lực kinh tế nội tại lẫn bên ngoài.

Le Monde mô tả, vị Thủ tướng đã trình bày báo cáo hoạt động của chính phủ trước 2.897 đại biểu của kỳ họp Quốc hội Khóa XIII tại Đại sảnh đường Nhân Dân. Trước hết, ông Lý Khắc Cường xác định “hiện nay đại dịch vẫn chưa kết thúc”. Kỳ họp đã được dời lại 11 tuần vì dịch COVID-19.

Trong bài diễn văn ngắn (chỉ có 55 phút) lần đầu tiên từ 30 năm qua, Thủ tướng Trung Quốc đã không đưa ra mục tiêu tăng trưởng cụ thể cho năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng quý I/2020 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm đến 6,8%, điều chưa từng thấy kể từ khi Trung Quốc cho công bố số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từng quý vào đầu thập niên 90.

Từ nhiều tuần qua, các nhà kinh tế và chính khách đã tranh luận về việc liệu Trung Quốc có ấn định mục tiêu tăng trưởng năm 2020, hay một mục tiêu chung cho cả năm 2021. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết đó là do sự bất định về diễn tiến của dịch bệnh và thực trạng bất ổn của kinh tế thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay có thể chỉ đạt 1,2%, so với con số chính thức của năm 2019 là 6,1%.

Chiến đấu chống đói nghèo

Thủ tướng Lý Khắc Cường nhìn nhận: “Chúng ta đang phải đối phó với những nguy cơ chưa từng thấy và điều này sẽ tiếp tục trong những năm tới”. Đây là một cách để nói rằng năm 2021 cũng sẽ có nhiều thách thức.

Năm nay, Chính phủ Trung Quốc khó thể đạt mục tiêu do cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2012; đó là tăng gấp đôi mức sống của người dân trong giai đoạn 2010-2020, bởi muốn như vậy thì tăng trưởng phải đạt 6% trong năm nay. Trong bối cảnh phức tạp đó, nếu Bắc Kinh vẫn muốn “giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến chống đói nghèo”, tình trạng cực nghèo phải được chính thức diệt trừ trong năm nay.

Chính vì thế, ông Lý Khắc Cường đã quyết định “điều chỉnh” lại các mục tiêu ấn định trước đại dịch, với sự ưu tiên được dành cho “quá trình ổn định công ăn việc làm và duy trì mức sống người dân”. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp dù gia tăng vẫn được “kiềm chế ở mức 6% so với 5,5% của hiện nay”. Dù vậy, những con số này được cho là còn xa so với thực tế.

Đội quân thất nghiệp đông đảo

Trong bài "Trung Quốc thiếu chuẩn bị cho nạn thất nghiệp hàng loạt", tác giả Simon Leplâtre kể lại hoàn cảnh của Li Jie, khoảng 30 tuổi, từ một tháng rưỡi qua vẫn hoài công đi tìm việc. Anh không còn tiền để gởi về vùng quê nghèo ở An Huy nuôi vợ và con trai ba tuổi. Từ hai năm qua ở Thượng Hải, anh làm đủ mọi việc để mưu sinh : gác dan, bốc vác, thợ xây dựng…nhưng những tháng gần đây không có ai thuê mướn nữa cả. Có những người bạn cùng cảnh ngộ, giờ đây phải ngủ ngoài đường.

Theo số liệu chính thức, riêng trong tháng Ba đã có thêm 3 triệu người thất nghiệp, nâng tổng số lên 26 triệu người. Nhưng theo nhiều nghiên cứu độc lập khác, khoảng 70 triệu người đã bị mất việc. Báo cáo của công ty tài chính Zhongtai Securities hôm 24/4 ước tính tỉ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc là 20,5%.

Đây là quả bom nổ chậm tại một đất nước mà bảo hiểm thất nghiệp hoạt động kém cỏi, và tính chính danh của đảng Cộng sản được dựa trên lời hứa bảo đảm cuộc sống thịnh vượng cho người dân. Hồi cuối thập niên 90, trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, các vụ sa thải hàng loạt đã dẫn đến các cuộc biểu tình rộng khắp, tội phạm tăng vọt.

Các nhà phân tích của Zhongtai Securities nhận định: "Việc nghiên cứu về nạn thất nghiệp ở đô thị rõ ràng đã bị bóp méo vì không tính đến đặc điểm tình hình Trung Quốc là có những nhóm người lao động nhập cư đông đảo". Chính quyền không ưa kiểu "nói thẳng nói thật" này và chỉ vài ngày sau công ty phải rút lại bản báo cáo trên.

Thị trường lao động tiêu điều

Cho dù cố gắng không đi quá xa làng quê, lao động nhập cư hiện nay vẫn chiếm khoảng 290 triệu người tại Trung Quốc. Không có tay nghề, họ thường làm những công việc bấp bênh tại những công ty không chịu đóng đủ các khoản đóng góp cần thiết, nên không được nhận trợ cấp xã hội. Còn nếu các khoản này đã được đóng, thì vẫn còn một hàng rào khác là hộ khẩu. Lao động ngoại tỉnh không được trợ cấp một đồng nào ở các thành phố nơi họ làm việc.

Tại trung tâm giới thiệu việc làm ở Minhang cách Thượng Hải 20km, nơi Li Jie đến tìm việc, các văn phòng hầu như trống rỗng. Những thông báo tuyển dụng đa số được đăng trên mạng, số lượng giảm từ 30 đến 50%. Các công ty vừa và nhỏ không dám mạo hiểm, một số đã dời khỏi Thượng Hải để giảm chi phí.

Pegatron, một trong những công ty gia công cho Apple ở Trung Quốc, có một nhà máy tại Thượng Hải, đã sa thải 5.000 công nhân. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là các công ty làm hàng xuất khẩu như điện tử chẳng hạn. Những nơi còn tuyển người là những tập đoàn điều vận cần người bốc vác và giao hàng: do dịch bệnh, việc bán hàng giao tận nhà bùng nổ. Có một ngoại lệ khác là một công ty sản xuất khẩu trang, chỉ trong một tháng đã tăng từ 200 lên 1.000 công nhân.

Để kinh tế phát triển, tỉ lệ thâm hụt ngân sách khoảng 2,8% GDP năm 2019 sẽ phải tăng lên trên 3,6%, có nghĩa là tăng 1.000 tỉ nhân dân tệ (128 tỉ euro). Lý Khắc Cường thông báo Trung Quốc sẽ phát hành trái phiếu nhà nước đặc biệt để chống dịch, tổng cộng 1.000 tỉ nhân dân tệ. Chính quyền trung ương còn cho phép địa phương phát hành 3.750 tỉ nhân dân tệ (481 tỉ euro) trái phiếu đặc biệt.

Số tiền này dùng vào việc tái thúc đẩy tiêu thụ và tăng tốc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế. Đó là xây dựng các cơ sở hạ tầng kiểu mới, phát triển mạng lưới tin học thế hệ mới, mở rộng việc sử dụng 5G, lắp đặt những thiết bị cung ứng cho xe cộ sử dụng nhiên liệu mới".

Thẳng tay với Hồng Kông, tiếp tục dẫn dụ Đài Loan

Về đối ngoại, Lý Khắc Cường chỉ nhắc đến Hoa Kỳ mỗi một lần, về việc tiến hành giai đoạn đầu của thỏa thuận kinh tế thương mại Mỹ-Trung. Chỉ đến cuối bài diễn văn, ông mới nêu ra vấn đề siêu nhạy cảm là Hồng Kông, cho biết sẽ thiết lập và hoàn thiện hệ thống tư pháp và cơ chế áp dụng các luật về bảo vệ và an ninh quốc gia.

Nếu Macao đã thông qua luật an ninh quốc gia từ năm 2009, người Hồng Kông từ 15 năm qua đã thành công trong việc chống lại mọi mưu toan áp đặt làm chấm dứt quy chế Một quốc gia, hai chế độ. Nhưng lần này xem chừng Bắc Kinh sẵn sàng dùng đến bàn tay sắt.

Ngược lại đối với Đài Loan, Lý Khắc Cường tương đối ôn hòa, không đe dọa sử dụng vũ lực. Năm 2020, ngân sách quân sự Trung Quốc là 1.267 tỉ nhân dân tệ (163 tỉ euro), tăng 6,6%. Mức tăng này thấp hơn những năm trước, nhưng rõ ràng vẫn cao hơn GDP dự kiến.

(Nguồn: TTXVN)

PV (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật