Lần xuất hiện cuối cùng của tỷ phú Jack Ma là tại hội nghị Thượng đỉnh Thượng Hải vào cuối tháng 10, nơi ông chỉ trích các cơ quan quản lý Trung Quốc đã kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp.
Sau đó, vào đầu tháng 11, ông Ma được cho là đã được triệu tập đến một cuộc họp với các quan chức nhà nước.
Kế đến, vào ngày 3/11, kế hoạch IPO của Ant Group , gã khổng lồ fintech của Jack Ma, đã bị hoãn lại chỉ hai ngày trước khi dự kiến bắt đầu giao dịch.
Không chỉ vậy, Alibaba hiện đang bị điều tra về hành vi độc quyền, theo một tuyên bố từ bộ phận giám sát thị trường của chính phủ Trung Quốc.
Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba. Ảnh: Reuters |
Sau các sự kiện chấn động này, Jack Ma không xuất hiện trước công chúng và bị mọi người đồn đoán là đã mất tích. Alibaba và Ant Group cũng từ chối cho ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, vào hôm 5/1, một nguồn tin của CNBC tiết lộ rằng, ông Ma không mất tích.
Andrew Nathan, giáo sư Đại học Columbia, người tập trung vào chính trị Trung Quốc, cho biết: "Vấn đề là ông Ma quá lớn để thất bại, cả về bài phát biểu lẫn quyền lực tài chính thức tế. Vì vậy, cho dù ông bị giam giữ hay tự nguyện làm giảm bớt sức mạnh của mình thì chính phủ Trung Quốc cũng muốn hành động để tái khẳng định quyền lực".
Sự biến mất của ông Ma trong các hoạt động xã hội là một phần của kế hoạch lớn. Theo các quy tắc ứng biến thường thấy trước đây, các tỷ phú và doanh nhân giàu có đều hạn chế xuất hiện trước công chúng trong một thời gian, sau khi "đụng độ" với chính quyền Trung Quốc.
1. Chủ tịch Fosun International - Guo Guangchang
Vào tháng 12/2015, nhiều báo cáo cũng xuất hiện xoay quanh việc Guo Guangchang, người sáng lập và chủ tịch của tập đoàn đầu tư Fosun International, mất tích. Các bài đăng trên mạng xã hội đều đồng loạt nói Guo bị cảnh sát đưa đi tại sân bay Thượng Hải.
Chủ tịch Fosun International Guo Guangchang. Ảnh: Internet |
Sau đó, Guo đã quay trở lại công ty nhưng ông không đưa ra câu trả lời cho nghi vấn này. Tuy nhiên, mọi người thường liên hệ sự biến mất của ông Guo với chiến dịch trấn áp tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông lên nắm quyền vào năm 2012. Hiện Guo Guangchang có tài sản ròng là 7,5 tỷ USD, vẫn là chủ tịch Fosun.
Guo Guangchang thường được gọi là "Warren Buffett của Trung Quốc". Ông đã xây dựng Fosun trở thành một gã khổng lồ trị giá 115 tỷ USD với các khoản đầu tư khắp châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, công ty đã phải ngừng giao dịch sau khi có tin tức Guo đang hỗ trợ các cơ quan tư pháp trong các cuộc điều tra giấu tên.
2. Tỷ phú Zhou Chengjian
Sự việc tương tự cũng xảy ra vào tháng 1/2016, công ty thời trang nhanh Shanghai Metersbonwe Fashion&Accessories đã tạm ngừng giao dịch cổ phiếu. Các nguồn tin cho biết, công ty không thể liên lạc được với người sáng lập - tỷ phú Zhou Chengjian.
Tỷ phú Zhou Chengjian. Ảnh: Imagechina |
Sau đó, tập đoàn tin tức nhà nước China Daily đưa tin, Zhou đã bị cảnh sát tạm giữ để giúp đỡ một vụ giao dịch nội gián và thao túng chứng khoán. Một tuần sau, đại diện Metersbonwe cho biết, ông Zhou đã quay trở lại làm việc nhưng không nói rõ những gì đã xảy ra.
Trước đó, ông Zhou thường được biết đến là một doanh nhân làm giàu từ hai bàn tay trắng. Ông bỏ học năm 12 tuổi, sau đó thử sức với nghề mộc và thợ nề trước khi học nghề may. Sau cùng, ông thành lập Metersbonwe, công ty tự hào có doanh thu hơn 800 triệu USD trong năm 2019.
Con gái của ông hiện là chủ tịch công ty. Trong khi đó, ông Zhou vẫn là cổ đông lớn nhất và có tài sản 1,3 tỷ USD.
3. Ông Ren Zhiqiang
Gần đây có nhiều doanh nhân biến mất hơn. "Ông trùm" bất động sản Ren Zhiqiang được cho là đã mất tích vào tháng 3, sau khi ông đăng một bài luận về cách chính phủ Trung Quốc xử lý đại dịch COVID-19.
Mặc dù không nhắc tên ông Tập, nhưng ông Ren đã nhắc đến "nhà lãnh đạo Trung Quốc" nhiều lần và gọi người đó là “thằng hề”.
Giám đốc điều hành công ty bất động sản đã nghỉ hưu Ren Zhiqiang. Ảnh: Associated Press |
Ông Ren được biết là một đảng viên Đảng Cộng sản lâu năm và là con trai của một cựu quan chức đảng. Tuy nhiên, vào tháng 7, chính phủ Trung Quốc thông báo, ông Ren chính thức bị khai trừ khỏi Đảng. Tài sản của ông cũng bị tịch thu.
Sau đó, vào tháng 9, ông bị kết án 18 năm tù vì tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực với tư cách là người đứng đầu một tập đoàn bất động sản thuộc sở hữu nhà nước, cùng các tội danh khác. Những người ủng hộ ông Ren cho rằng, ông đã bị trừng phạt vì lên tiếng chống lại ông Tập.
4. Ông Xiao Jianhua
Một người khác là Xiao Jianhua, CEO của công ty đầu tư Tomorrow Group, đã bị đưa đi khỏi Hong Kong mà không có lời giải thích nào. Vào tháng 1/2017, Xiao được cho là đã được đưa đến khách sạn Four Season trên một chiếc xe lăn, phần đầu bị che lại (trước đây ông không sử dụng xe lăn). Sau đó, ông bị đưa qua biên giới Trung Quốc đại lục.
Trong một báo cáo trên Wechat vào tháng 7/2020 (hiện đã bị xóa), Tomorrow Group cho biết, ông Xiao ở Trung Quốc để hợp tác với các nhà chức trách điều tra về công ty.
Cuối cùng, chính phủ đã tiếp quản hơn nửa tá doanh nghiệp có liên hệ với Tomorrow Group, cáo buộc một số công ty che giấu thông tin về cổ đông kiểm soát và cổ phần của công ty họ.
Tỷ phú Xiao Jianhua. Ảnh: EPA |
Aaron Friedberg, giáo sư chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton, cho biết cách đối xử với Jack Ma, Ren Zhiqiang hay Xiao Jianhua đều cho thấy, chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực để loại bỏ mọi thách thức đối với quyền lực của mình.
Friedberg nói: “Những người nắm giữ khối tài sản lớn, đặc biệt là các CEO doanh nghiệp tư nhân mà không phải doanh nghiệp nhà nước, sẽ tạo ra ảnh hưởng và do đó là mối đe dọa tiềm tàng đối với Đảng”.
“Dưới thời ông Tập, và đặc biệt là trong vài năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thường xuyên bắt giữ những người như vậy và tước đoạt tài sản của họ. Bất kể trường hợp nào, điều quan trọng mà chính phủ Trung Quốc muốn nói là: không ai có thể ở trên Đảng hoặc vượt quá tầm kiểm soát của nó”.