Ngày 23/7, Úc đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhấn mạnh việc phản đối mạnh mẽ các yêu sách phi lý Bắc Kinh đặt ra trên Biển Đông, từ yêu sách với Tứ Sa đến đường cơ sở thẳng tại Hoàng Sa hay đảo nhân tạo. Động thái này là thể hiện rõ quan điểm của Úc đối với 6 công hàm và công thư Trung Quốc đã gởi lên LHQ từ tháng 12-2019.
"Chính phủ Úc bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cụ thể là các yêu sách vùng biển không tuân thủ quy định công ước về đường cơ sở, các vùng biển và phân loại những thực thể", Úc nhấn mạnh.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm và xây dựng, cải tạo trái phép - Ảnh: AFP |
Công hàm Úc nói về cái gọi là quyền lịch sử và hàng hải đã được thiết lập từ lâu mà Trung Quốc đưa ra để biện minh cho đường 9 đoạn là "trái với UNCLOS" và "vô giá trị". Úc cũng khẳng định phán quyết năm 2006 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS đã làm rõ vấn đề này nhưng Trung Quốc đã phớt là, thậm chí còn gọi tòa án và các phán quyết là "bất hợp pháp".
Công hàm Úc nhấn mạnh: "Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hoặc nhóm đảo trên Biển Đông, bao gồm xung quanh cái gọi là 'Tứ Sa' hay 'thềm lục địa' hay các quần đảo xa bờ. Úc phản đối các yêu sách đòi hỏi vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên đường cơ sở thẳng kiểu đó".
Công hàm Úc lập luận: "Đường cơ sở thẳng theo điều 7 của UNCLOS chỉ được áp dụng trong một số trường hợp nhất định. Hơn nữa, điều 47 của UNCLOS đã quy định đường cơ sở quần đảo chỉ được áp dụng cho các quốc gia quần đảo như định nghĩa đã nhắc tới trong điều 46".
Úc khẳng định đá và bãi cạn, bãi chìm vẫn sẽ chỉ là đá và các bãi cạn, bãi chìm. "Các thực thể đã được con người cải tạo không thể hưởng quy chế của đảo tự nhiên".
Úc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với những vùng biển xung quanh các thực thể lúc chìm lúc nổi hoặc chìm dưới biển không phù hợp với UNCLOS.
"Việc xây dựng hoặc các hình thức cải tạo nhân tạo khác không làm thay đổi phân loại của UNCLOS đối với các thực thể này. Không có cơ sở pháp lý để đưa ra các yêu sách vùng biển vượt quá những gì các thực thể này được hưởng theo UNCLOS khi ở trạng thái tự nhiên".
Úc chỉ ra các quy định của UNCLOS để chứng minh đảo nhân tạo không thể là đảo tự nhiên dựa trên khoản 1 điều 121 và khoản 8 điều 60. Dù vậy, công hàm Úc không đề cập các thực thể này được hưởng vùng biển rộng bao nhiêu theo UNCLOS.
Khoản 8 điều 60 của UNCLOS quy định: "Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa".
Úc cũng lưu ý đến công hàm ngày 17-4-2020 của Trung Quốc có đoạn khẳng định yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam "đã nhận được sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế".
"Chúng tôi không chấp nhận điều Trung Quốc nói. Về điều này, xin hãy lưu ý tới các công hàm phản đối số 22/HC-2020, số 24/HC-2020 và số 25/HC-2020 của Việt Nam cũng như công hàm 000192-2020 của Philippines", chính phủ Úc nhắc khéo.
"Chúng tôi quan ngại mạnh mẽ trước tuyên bố của Trung Quốc nói rằng họ đã 'thực thi chủ quyền liên tục và hiệu quả' đối với các thực thể lúc chìm lúc nổi do các thực thể này không thể được xem là một phần cấu thành lãnh thổ quốc gia", công hàm nêu rõ.
Úc tiếp tục kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 về Biển Đông, đồng thời khẳng định việc Bắc Kinh nói phán quyết không có giá trị ràng buộc là trái với điều 296 và điều 11 trong Phụ lục VII UNCLOS.
Cuối công hàm, Úc nhấn mạnh: "Chúng tôi khuyến khích các bên có yêu sách ở Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc, làm rõ các yêu sách vùng biển và giải quyết sự khác biệt bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật quốc tế nhất là UNCLOS 1982",