Chính sách nhập cư mới của Úc làm khó giới nhà giàu Trung Quốc
Theo hãng tin Reuters, Paul Wang rời nhà ở Bắc Kinh để bắt đầu cuộc sống mới ở Úc vào năm 2018. Wang đã đầu tư 1 triệu đô la Úc (680.000 USD) vào một doanh nghiệp chế biến thực phẩm với hy vọng đủ điều kiện để được cấp thường trú theo dạng nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đã năm năm trôi qua, hy vọng của cả gia đình ông đã bị dập tắt khu chính phủ Úc hủy bỏ chương trình "Thị thực Vàng" dành cho nhà đầu tư nước ngoài, khiến những người di cư giàu có như Wang rơi vào tình trạng lấp lửng.
"Chúng tôi không ngờ nó lại mất nhiều thời gian như vậy. Cuộc sống của chúng tôi trở nên lộn xộn khi không thể lên kế hoạch trước với tất cả những điều không chắc chắn.", ông Wang nói.
Khi Úc giới thiệu Chương trình Đầu tư và Đổi mới Doanh nghiệp (BIIP) vào năm 2012, đất nước này đặt kỳ vọng rằng các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư và doanh nhân nước ngoài sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương. Hiện có hơn 3.000 chủ sở hữu BIIP đang chờ được xử lý hồ sơ, đa phần là người Trung Quốc. Dù vậy, trái với kỳ vọng chương trình thị thực vàng tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế và đổi mới sáng tạo, sau nhiều năm, một đánh giá do chính phủ công bố vào tháng 3 cho thấy những người di cư theo chương trình BIIP đóng góp vào nền kinh tế ít hơn so với người Úc bản địa.
Cụ thể, đánh giá ước tính đóng góp kinh tế trọn đời của những người nắm giữ BIIP chỉ ở khoảng 412.000 USD, thấp hơn rất nhiều so với con số 1,6 triệu USD của người bản địa. Một phần nguyên nhân có thể là dù giàu có, nhưng nhóm người này đã lớn tuổi và thu nhập kiếm được thấp hơn thông qua các khoản đầu tư thụ động.
Việc chờ đợi không biết tới bao giờ
Trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19, Chính phủ Úc đã trì hoãn xử lý mọi hồ sơ xin thị thực. Sau khi ổn định, Công đảng trở lại nắm quyền cách đây 13 tháng bắt đầu nêu lên tính cấp thiết của việc cập nhật hệ thống nhập cư.
Các chương trình thị thực đầu tư tương tự đã bị hủy bỏ ở Canada, Anh và Singapore khi các chính phủ kết luận rằng chúng không tạo ra việc làm và có thể là một phương tiện để tích trữ đầu cơ.
Hầu hết thị thực thường trú theo diện BIIP là bên bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi động thái trên, do các hồ sơ hiện mất gần 3 năm để xử lý, tăng so với mức trung bình trước đó là khoảng 12 tháng.
Hơn 50 người nắm giữ BIIP, chủ yếu là người Trung Quốc, đã tổ chức một cuộc biểu tình vào thứ sáu bên ngoài văn phòng của Australian Broadcasting Corp ở Sydney, một điều hiếm thấy vì người di cư Trung Quốc phần lớn tránh bất đồng chính kiến. Họ yêu cầu chính phủ đẩy nhanh các đơn xin thường trú của họ.
Khi được hỏi về sự chậm trễ cấp thị thực, Bộ Nội vụ Úc từ chối bình luận về các khiếu nại của chủ sở hữu BIIP, thay vào đó cho biết chính phủ sẽ xử lý tất cả các thị thực phù hợp dựa trên kế hoạch và mức độ ưu tiên. Cơ quan này cho biết một chiến lược di cư mới sẽ được ban hành vào cuối năm nay, trong đó sẽ bao gồm tái định hình triệt để chương trình BIIP.
Giám đốc điều hành của công ty hoạch định cư trú và quốc tịch Henley & Partners Australia, Tony Le Nevez, cho biết sự chậm trễ trên đã làm dấy lên lo ngại rằng chính phủ có thể hủy bỏ chương trình BIIP hay không, khi chính phủ có kế hoạch giảm phân bổ BIIP từ 5.000 thị thực trong năm tài chính trước xuống còn 1.900 trong năm nay, ít hơn 20% so với mức của những năm trước đó.
Vì không chắc chắn về tình trạng thị thực của mình, nhiều chủ sở hữu BIIP Trung Quốc cho biết họ đang bỏ lỡ nhiều cơ hội khác do phải tiếp tục duy trì doanh nghiệp ở Úc ngay cả khi đang kinh doanh thua lỗ.
"Tôi đã chờ 33 tháng rồi. Việc chờ đợi mãi có nghĩa là ngay cả khi tôi đang kinh doanh thua lỗ, tôi cũng không thể đóng cửa hàng và tiếp tục làm gì khác được". Ông Tan, một nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu một cửa hàng nội thất ở Melbourne cho biết.
Wang cũng đã đã từ bỏ kế hoạch mua thêm đất cho nhà máy của mình vào năm ngoái vì không chắc chắn về tình trạng thị thực của mình, cho biết ông đã chuẩn bị bán tài sản của mình ở Úc và chuyển đến Mỹ để con gái ông học tập vào năm sau.
"Tôi biết nhiều người sẽ không thông cảm với chúng tôi, vi chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ, Nhưng chúng tôi không được đối xử công bằng", Wang nói.
(Nguồn: Nikkei Asia)