Ngày 23/11, hãng dược AstraZeneca thông báo hiệu quả của vaccine Oxford khi tiêm 1,5 mũi là 90%, tiêm đầy đủ hai mũi là 65%. Hầu hết tình nguyện viên đều dưới 56 tuổi, điều này làm dấy lên lo ngại về tính phòng ngừa vì giới trẻ thường có hệ miễn dịch tốt hơn. Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca sẽ tiến hành cuộc thử nghiệm vaccine ChAdOx1 mới trên toàn cầu.
AstraZeneca cũng tuyên bố các tình nguyện viên sẽ không đủ đa dạng về sắc tộc, giới tính và tuổi tác theo tiêu chuẩn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Hiện vẫn chưa có công bố số lượng tình nguyện viên và các địa điểm diễn ra thử nghiệm mới.
Vaccine Covid-19 của Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca trong phòng nghiên cứu. Ảnh: Reuters. |
"Giờ đây chúng tôi đã tìm thấy liều lượng cho hiệu quả cao hơn. Chúng tôi cần xác nhận điều này, vậy nên mới thực hiện nghiên cứu bổ sung. Thử nghiệm mang tính toàn cầu, song nó có thể diễn ra nhanh hơn. Chúng tôi đã nắm được hiệu quả của vaccine nên sẽ cần ít tình nguyện viên hơn", giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot, giải thích.
Ngày 26/11, John Bell, Giáo sư Y khoa của Oxford, cố vấn khoa học đời sống của chính phủ Anh, đã bác bỏ nghi vấn thử nghiệm vaccine không được thực hiện đúng quy trình. "Chúng tôi không tự ngụy tạo kết quả này", ông khẳng định. "Dự kiến dữ liệu đầy đủ, đã qua bình duyệt của vaccine sẽ được xuất bản trên Tạp chí Y khoa Lancet vào cuối tuần này".
Tuy nhiên, Nick Paul Taylor, một nhà phân tích ở Mỹ, thậm chí cho rằng vaccine Oxford sẽ "không bao giờ được cấp phép tại Mỹ".
Ngày 27/11, chính phủ Anh đã yêu cầu Cơ quan Quản lý Thuốc và Chăm sóc sức khỏe (MHRA) bắt đầu quá trình phê duyệt vaccine. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết: "Chúng tôi đang làm việc không mệt mỏi để có thể triển khai vaccine một cách thuận lợi càng sớm càng tốt, ngay khi MHRA quyết định phê duyệt".