• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vắcxin Sputnik V sắp được dùng rộng rãi ở Nga, Đức có vắcxin vào 2021

Vắcxin Sputnik V ngừa COVID-19 có thể được sử dụng rộng rãi ở Nga vào cuối tháng 10, đầu...

Ngày 12/10, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), ông Kirill Dmitriev cho biết cho biết vắcxin Sputnik V ngừa COVID-19 có thể được sử dụng rộng rãi ở Nga vào cuối tháng 10, đầu tháng 11.

Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya 24, ông Dmitriev nói: "Chúng tôi tin rằng vắcxin sẽ được sử dụng rộng rãi ở Nga vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Tất nhiên, chúng tôi cũng hy vọng có thể phê duyệt và sử dụng vắcxin Nga, kể cả ở Trung Đông, từ tháng 11."

Ông Dmitriev lưu ý rằng ở thời điểm hiện tại, Sputnik V là vắcxin đầu tiên trên thế giới được các quốc gia chấp thuận và quan tâm.

Trước đó trong ngày 12/10, Bộ Y tế và Dự phòng của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã phê duyệt việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba đối với vắcxin Sputnik V của Nga tại nước này.

Đức sẽ có vắcxin vào đầu năm 2021

Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cùng ngày 12/10 cho rằng nước này có thể cho ra mắt những lô vắcxin đầu tiên vào quý 1 năm tới.

Trước đó, Bộ trưởng Spahn và Bộ trưởng Nghiên cứu liên bang Anja Karliczek cũng nói rằng vắcxin có thể được tiêm cho những nhóm đầu tiên vào đầu năm tới, và có thể được sử dụng rộng rãi hơn từ giữa năm 2021.

Những nhóm được tiêm vắcxin trước tiên sẽ là những người có bệnh nền, người cao tuổi và lực lượng trong ngành y. Ông Spahn cũng cho biết việc tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19 sẽ là hoạt động tự nguyện.

WHO: Hơn 180 quốc gia tham gia COVAX

Ngày 12/10, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Soumya Swaminathan cho biết hơn 180 quốc gia đã cam kết tham vào nỗ lực của WHO nhằm tài trợ để các loại vắcxin phòng COVID-19 được phân phối một cách công bằng tới các nước giàu và nghèo.

Vắcxin phòng COVID-19 được giới thiệu tại Moskva, Nga, ngày 6/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vắcxin phòng COVID-19 được giới thiệu tại Moskva, Nga, ngày 6/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số liệu trên được bà Soumya Swaminathan cập nhật trong một cuộc gọi với truyền thông. Con số này được tăng lên từ mức 170 quốc gia được liên minh vắcxin GAVI công bố hôm 9/10, trong đó bao gồm Trung Quốc. GAVI đang phối hợp với WHO về cơ sở tài chính cho Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắcxin COVID-19 (COVAX).

WHO: Để COVID-19 lây lan tạo miễn dịch cộng đồng là "trái đạo đức"

Ngày 12/10, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phản đối những đề xuất của một số người khi để cho COVID-19 lây lan với hy vọng có thể có được cái gọi là miễn dịch cộng đồng, cho rằng điều này "trái đạo đức."

Trả lời họp báo trực tuyến, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Chưa bao giờ trong lịch sử y tế công cộng, miễn dịch cộng đồng được sử dụng như một chiến lược để đối phó với một đợt bùng phát dịch bệnh, huống hồ là một đại dịch. Điều này có vấn đề về khoa học và đạo đức. Việc cho phép một virus nguy hiểm mà chúng ta chưa hiểu rõ hoàn toàn lây lan tự do rõ ràng là trái đạo đức. Đó không phải là một lựa chọn."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật