• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Versace: Từ thương hiệu xa xỉ bậc nhất đến thương vụ bạc tỷ gây tranh cãi và thử nghiệm bình dân hoá

Thương hiệu Versace là một trong những thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới với những...

Hãng thời trang mang hơi thở cổ điển Hy Lạp

Hãng thời trang Gianni Versace S.p.A hay gọi ngắn gọn là Versace là một công ty thời trang và nội thất cao cấp của Ý. Versace được xem là một trong những hãng thời trang hàng đầu thế giới. Trụ sở chính của hãng nằm tại Milan, thành phố lớn thứ nhì nước Ý và là trung tâm công nghiệp, kinh tế, tài chính của Ý.

Thương hiệu do nhà thiết kế tài ba Gianni Versace thành lập vào năm 1978. Sau khi ông bị sát hại, em gái Donatella đã đưa hãng đến với một tầm cao mới, để rồi sáp nhập với công ty Capri Holdings của Michael Kors năm 2018. Kể từ khi Gianni sáng lập thương hiệu vào năm 1978, Versace đã nổi bật bởi tính cổ điển và sự đỉnh cao về thẩm mỹ. Nhà thiết kế lấy cảm hứng từ di sản Ý của Versace khiến các thiết kế trở nên độc đáo và duy nhất.

Gianni Versace sinh vào 2/12/1946 ở Reggio Calabria, ở miền Nam nước Ý. Ông có một anh trai Santo và em gái Donatella. Ba anh em lớn lên trong văn hóa Hy Lạp – La Mã cổ đại.  Gianni đã theo học tiếng Latin và Hy Lạp cổ (dù không hoàn thành khóa học). Bên cạnh đó, cậu bé Gianni học nghề cắt may và thiết kế thời trang khi phụ mẹ với xưởng may.

  Ba anh em gia đình Versace: Gianni, Donatella và Santo

Ba anh em gia đình Versace: Gianni, Donatella và Santo

Năm 25 tuổi, Gianni rời Reggio Calabria để đến Milan làm thiết kế thời trang cho thương hiệu thời trang may đo sẵn của Ý, Genny. Anh trở thành nhà thiết kế chính của Genny năm 1973. Gianni liên tục ghi dấu ấn với nhiều thành công và được biết đến nhờ vào tài năng thiết kế xuất chúng. Năm 1978, Gianni mở cửa hàng thời trang đầu tiên mang tên mình tại khu phố Via della Spiga. Với em gái Donatella làm phó chủ tịch và anh trai Santo làm chủ tịch, hãng thời trang Gianni Versace S.p.A chính thức ra đời.

Ngay sau khi mở cửa hàng riêng, Versace nhanh chóng trở thành một cái tên gây sốt trong làng thời trang vì phong cách không thể bị nhầm lẫn.

Gianni Versace
Gianni Versace

Versace tung ra hàng loạt thương hiệu nhánh khác nhau, ví dụ dòng thời trang cao cấp Atelier Versace năm 1989, Signature năm 1991, Versus trẻ trung năm 1993. Bên cạnh đó, họ còn thử nghiệm với nước hoa, đồ trang trí nội thất…

Năm 1997 Gianni Versace bị ám sát ngay trước cửa nhà tại South Beach, Mỹ. Sau khi Gianni Versace qua đời, cô em gái Donatella tiếp quản vị trí của ông. Bà tiếp tục duy trì phong cách thời trang gợi cảm do anh trai khai sáng.

Tiếp nối sự thành công của anh trai mình vào năm 1997, Donatella đã đưa thương hiệu bước vào một kỷ nguyên mới. Donatella từng chia sẻ: “Versace là biểu tượng cho sức mạnh, cá nhân và trao quyền cho người khác. Đó là sự hỗ trợ lẫn nhau và hoà nhập. Đó là việc tận hưởng cuộc sống, đó là năng lượng tinh khiết chạy qua các tĩnh mạch của bạn”.

Thương vụ bạc tỷ với Michael Kors gây tranh cãi

Năm 2011, Versace đã có sự hợp tác gây bất ngờ với H&M. Đây cũng là lần đầu tiên Versace làm việc vùng một hãng thời trang giá rẻ. Dù vướng vào nhiều nghi ngờ nhưng ngay khi bộ sưu tập mới được tung ra, nét sang trọng của các mẫu thiết kế của nhãn hiệu hàng này lập tức gây sốt. Mẫu áo khoác màu mè, áo jacket da, mũ, thắt lưng, giày thể thao... dường như đều thấp thoáng chút phong cách của dòng thời trang cao cấp nhưng thiên về tính ứng dụng trong cuộc sống thường ngày.

Thế nhưng, cú plot twist thực sự lại thuộc về vụ trao đổi bạc tỷ giữa Versace và Michael Kors. Cụ thể, năm 2018, thương hiệu gia đình của Ý đã được mua lại bởi tập đoàn xa xỉ Mỹ Michael Kors với giá 2,1 tỷ USD. Ngay sau khi sở hữu Versace, Michael Kors đổi tên thành Capri Holdings. Dù gây tranh cãi nhưng nhờ vào thỏa thuận này, Versace đã trải qua một cuộc "lột xác".  

“Với việc thâu tóm Versace, chúng tôi giờ đây là một trong những tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất trên thế giới”, John Idol, Chủ tịch và CEO của tập đoàn Michael Kors tự tin phát biểu và khẳng định sẽ giúp doanh thu hàng năm của thương hiệu Ý ra đời năm 1978 vượt 2 triệu USD.

Gia đình Versace sẽ nhận được số cổ phiếu tương đương hơn 171 triệu USD của Michael Kors. Bà Donatella Versace, em gái nhà sáng lập quá cố Gianni Versace, sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo của Versace.

Vấn đề duy nhất là, Michael Kors mua lại Versace khi đang phải đối mặt với nhiều tranh cãi về thương hiệu. Từ một dòng sản phẩm cao cấp, Kors dần dần tự biến mình thành bình dân với hàng loạt đợt giảm giá. Thậm chí, có thời điểm, những BST mới của Kors còn không đủ cạnh tranh đối với Zara hay HM.  

Versace: Từ thương hiệu xa xỉ bậc nhất đến thương vụ bạc tỷ gây tranh cãi và thử nghiệm bình dân hoá

Với việc mua lại Versace, Kors đã tăng số lượng cửa hàng từ 200 lên 300, trị giá tới 2 tỷ đô la, nhưng nhiều người nghi ngờ liệu Versace có mất đi ánh sáng dưới quyền sở hữu của Kors khi mà những giá trị mang tính xa xỉ dần bị thay thế bằng những xu hướng bình dân, đại trà, không có nhiều đột phá?

"Đụng chạm" đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc

Năm 2019, hãng thời trang cao cấp Versace đã phải lên tiếng xin lỗi người dân Trung Quốc sau khi hình ảnh được in trên sản phẩm áo phông của hãng này ngụ ý Hong Kong và Macao là hai lãnh thổ độc lập.

Cụ thể, trên chiếc áo phông của hãng ghi loạt tên các thành phố nổi tiếng trên thế giới kèm theo đó là tên quốc gia ở bên cạnh. Tuy nhiên, Versace lại để tên Hong Kong (Trung Quốc) cùng hàng với “Hong Kong” và Macau (Trung Quốc) bên cạnh “Macao”.

Versace: Từ thương hiệu xa xỉ bậc nhất đến thương vụ bạc tỷ gây tranh cãi và thử nghiệm bình dân hoá

Người Trung Quốc xem hành động của hãng thời trang đình đám như một sự công nhận Hong Kong và Macao là hai “quốc gia độc lập”. Một cuộc chỉ trích và tẩy chay lớn đã diễn ra. Về phía đại diện của Versace tại Trung Quốc, nữ diễn viên Dương Mịch (Yang Mi) cho biết, cô sẽ ngừng hợp tác với nhà tạo mẫu sau sự cố trên áo phông, cô cho rằng thương hiệu này "bị nghi ngờ làm tổn hại chủ quyền quốc gia của Trung Quốc".

Sau khi vấp phải những chỉ trích dữ dội trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, Versace thừa nhận hãng này đã phạm sai lầm,  ngừng bán cũng như cho tiêu hủy mẫu áo phông kể từ hôm 24/7/2019.

Giám đốc nghệ thuật của thương hiệu là bà Donatella Versace sau đó cũng đã đưa ra một lời xin lỗi tương tự. “Chưa bao giờ tôi có ý thiếu tôn trọng chủ quyền quốc gia Trung Quốc và đây là lý do tại sao cá nhân tôi muốn gửi lời xin lỗi vì sự thiếu sót này và cho bất kỳ sự cố đáng tiếc nào mà chúng tôi đã gây ra”, bà viết trên tài khoản Instagram của mình.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật