• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao các nước nghèo từ chối hơn 100 triệu liều vaccine Covid-19?

Nơn 100 triệu liều vaccine bị các nước nghèo từ chối vì chúng sắp hết hạn. Việc tặng số...

 Theo Etleva Kadilli, Giám đốc Bộ phận Cung ứng của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 được gửi đến các quốc gia nghèo đã bị từ chối vào tháng trước - không phải vì những nước này không muốn.

Thay vào đó, các nước giàu chuyển giao vaccine quá gần ngày hết hạn và với số lượng quá lớn để những nước tiếp nhận có thể dự trữ, bà Kadilli nói với các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu hôm 13/1.

"Hơn 100 triệu liều vaccine bị từ chối chỉ trong tháng 12", bà Kadilli nói, theo Reuters. "Vậy điều gì đã xảy ra với những liều vaccine này, và làm cách nào để ngăn chặn điều đó xảy ra một lần nữa?".

Vấn đề trong việc phân phối vaccine

Bà Kadilli cho biết những liều vaccine mà các quốc gia giàu có chuyển giao đã gần hết hạn. Điều này khiến các quốc gia tiếp nhận có ít thời gian hơn để chúng đưa vào tiêm chủng.

Những liều vaccine hết hạn được nhìn thấy trong bãi rác ở Nigeria. Ảnh: Reuters.
Những liều vaccine hết hạn được nhìn thấy trong bãi rác ở Nigeria. Ảnh: Reuters.

 “Nếu tôi giao một bình sữa cho bạn mỗi ngày, bạn có thể uống hết nó. Nếu một ngày, tôi xuất hiện với 100 chai sữa hết hạn lúc nửa đêm mà không báo trước, bạn sẽ không thể uống hết chúng”, tiến sĩ Peter Singer, cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Global News .

"Và đó chính xác là những gì đã xảy ra ở những nước tiếp nhận vaccine mà không thể dùng chúng”, vị tiến sĩ nói.

Theo ông Tinglong Dai, nhà nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins, việc phân phối vaccine và tiêm chủng có rất nhiều bước liên quan. Đơn cử, các quốc gia cần có các thiết bị làm lạnh và bảo quản vaccine khi chúng được chuyển đến. Sau đó, họ cần nhân lực và phương tiện để vận chuyển chúng.

Bên cạnh đó, ông Dai cho biết cũng cần nhân lực để thực hiện tiêm chủng, đồng thời kiểm soát chất lượng vaccine.

"Một triệu liều vaccine không có nghĩa lý gì, trừ khi họ có khả năng đưa chúng vào tiêm chủng", ông Dai cho biết.

Khắc phục bất bình đẳng vaccine

Một trong những giải pháp chính mà các quốc gia có thể thực hiện để đảm bảo vaccine không bị lãng phí là mang đến “nguồn cung có thể dự đoán trước”.

Chẳng hạn, Canada cam kết chia sẻ 200 triệu liều vaccine thông qua COVAX. Đến nay, nước này đã phân phối gần 100 triệu liều trong số đó, theo Global Affairs.

Tuy nhiên, số lượng được phân phối có thể khác nhau rất nhiều giữa các ngày. Bangladesh nhận được 2,2 triệu liều chỉ riêng vào ngày 19/12/2021, trong khi hơn 470.000 liều đã đến Rwanda vào hai ngày sau đó.

Nhân viên Liên Hợp Quốc kiểm tra lô vaccine được tài trợ thông qua cơ chế COVAX tại sân bay Hamid Karzai, Afghanistan. Ảnh: AP.
Nhân viên Liên Hợp Quốc kiểm tra lô vaccine được tài trợ thông qua cơ chế COVAX tại sân bay Hamid Karzai, Afghanistan. Ảnh: AP.

 “Điều thực sự quan trọng là phải có nguồn cung dự đoán được và không xem các điểm nghẽn trong phân phối như cái cớ để hạn chế nguồn cung”, ông Singer nói.

Kerry Bowman, một nhà đạo đức sinh học và giáo sư sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Toronto (Canada), lo ngại những bài báo về việc hàng loạt lô vaccine không được sử dụng cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung.

“Một trong những điều đầu tiên khiến tôi quan tâm là mọi người nói rằng chẳng ích gì khi gửi vaccine đến các nước thu nhập thấp, vì họ sẽ không thể xử lý được”, ông Bowman cho biết.

"Điều đó hoàn toàn sai”, ông nói.

Sự tắc nghẽn xảy ra “ở mọi quốc gia trên thế giới”, ông Singer nói.

“Ở Canada, quân đội đang giúp phân phối vaccine ở Quebec. Điều này không chỉ xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Mỗi quốc gia đều có một số điểm nghẽn về phân phối”, ông giải thích.

Một khi nguồn cung được đảm bảo, các nước giàu cũng có thể giúp các quốc gia khác cải thiện năng lực triển khai tiêm chủng, ông Dai nói.

Điều đó có thể đạt được bằng cách chia sẻ nghiên cứu về vaccine, cũng như thông qua việc quyên góp các thiết bị như tủ lạnh, cử chuyên gia hỗ trợ hoặc tăng cường tài trợ, các chuyên gia y tế toàn cầu cho biết.

Canada đã cố gắng giúp giải quyết sự bất bình đẳng về vaccine bằng cách quyên góp cho sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu, COVAX, theo bà Patricia Skinner - phát ngôn viên của Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada. Nước này cũng cố gắng hết mình để đảm bảo liều vaccine không bị lãng phí, bà nói thêm.

Chính phủ Canada cũng trao 70 triệu USD cho Cam kết Thị trường Tiến bộ COVAX để hỗ trợ việc cung cấp và phân phối vaccine, đồng thời hợp tác với UNICEF để quyên góp cho Quỹ #GiveaVax.

“Các khoản tiền này giúp UNICEF trang trải chi phí vận chuyển vaccine đến các quốc gia tiếp nhận, bảo quản vaccine bằng dây chuyền lạnh trong suốt hành trình. Bên cạnh đó, nó còn giúp đào tạo nhân viên y tế cách tiêm vaccine hiệu quả cũng như xử lý an toàn kim tiêm và chất thải", bà Skinner nói.

Theo ông Bowman, đẩy mạnh cuộc chiến giành quyền tiếp cận vaccine trên toàn cầu không chỉ là việc cần làm. Đó còn là một cách để đảm bảo người dân Canada được an toàn, vì virus càng lan rộng, khả năng tạo ra những đột biến càng lớn.

“Chúng tôi quan tâm đến lợi ích của việc tiêm chủng cho toàn thế giới, không chỉ vì nó cứu sống rất nhiều người, mà còn vì đó là một cách để giúp ngăn ngừa các biến chủng”, ông Singer nói.

Vân Đinh

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật