Những ai muốn Mỹ ở lại luôn cảm thấy lo sợ rằng điều này sẽ xảy ra, với những thủ lĩnh quân phiệt và những thành phần Hồi giáo tranh giành quyền kiểm soát, các nhóm khủng bố sinh sôi và những thành tựu đã giành được một cách khó khăn sẽ đột ngột mất đi.
Thế nhưng, còn có một kịch bản khả thi khác là các cường quốc khu vực sẽ lấp đầy chỗ trống mà Mỹ để lại và Afghanistan sẽ trở thành vấn đề của họ. Mỹ có thể chấp nhận một kết cục như vậy.
Những người muốn Mỹ ở lại luôn cảm thấy lo sợ nếu Mỹ "từ bỏ" Afghanistan. Ảnh: GETTY. |
Một báo cáo năm 2019 của Tập đoàn Rand đã phân tích rõ quan điểm của những người muốn quân đội Mỹ ở lại Afghanistan: sau sự ra đi này, chính phủ Kabul sẽ “mất đi sức ảnh hưởng và tính hợp pháp”, quyền lực sẽ rơi vào tay của lực lượng dân quân khu vực và thủ lĩnh quân phiệt, và các nhóm cực đoan sẽ gia tăng nhanh chóng khi đất nước rơi vào nội chiến.
Nhà báo Max Boot của tờ Washington Post còn nhận định rằng sự rút quân của Mỹ có thể “làm phí hoài những hy sinh của quân đội kể từ năm 2001”. Hội đồng Quan hệ Đối ngoại thì lập luận rằng Mỹ có một “lợi ích sống còn trong việc duy trì những thành tựu chính trị, kinh tế và an ninh”.
Mặc dù vậy, thực tế là chính phủ Kabul hiện hầu như không có tính hợp pháp và sức ảnh hưởng của họ chỉ đến từ việc mua chuộc những thủ lĩnh quân phiệt khu vực, chủ yếu là bằng những đồng USD cứu trợ của Mỹ. Afghanistan, sau 18 năm Mỹ đồn trú, với 2 nghìn tỷ USD bỏ ra cùng 2.400 sinh mạng người Mỹ, hiện là quốc gia nghèo nhất châu lục.
Tại châu Á, hãng Minh bạch Quốc tế cho biết chỉ Yemen và Syria là tham nhũng hơn cả. Tổ chức phi lợi nhuận Ngôi nhà Tự do thì xếp Syria vào dạng quốc gia hoàn toàn “không tự do”.
Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 9/2019, số lượng cử tri đi bầu chỉ chiếm 20% và tổng cộng chỉ 1,8 triệu lá phiếu hợp lệ - quá ít so với dân số 35 triệu người của quốc gia này. Kết quả được công bố sau đó 5 tháng đã bị phe đối lập cáo buộc là gian lận.
Cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 9/2019, số lượng cử tri đi bầu chỉ chiếm 20% và tổng cộng chỉ 1,8 triệu lá phiếu hợp lệ. Ảnh: AFP. |
Năm 2018, một vị tướng của Afghanistan ước tính có tới 77.000 tay súng Taliban tại quốc gia này. Mặc dù những kẻ ủng hộ chiến tranh biện hộ cho thực trạng này là bởi họ nhìn thấy Afghanistan đang quay trở lại tình trạng của những năm 1990 - và nguy cơ của một vụ khủng bố 11/9 thứ hai, vẫn có lý do để nghi ngờ rằng đây sẽ là một kết cục thực sự.
Nhóm Taliban đang tranh giành hoặc kiểm soát 70% Afghanistan, bao gồm cả các khu vực nằm xa các thành trì truyền thống của chúng. Quân đội đã không còn báo cáo về số binh sỹ thiệt mạng trong quân đội Afghanistan từ cách đây một năm do số lượng này quá lớn. Năm 2017, có tới 2,9% Quân đội Afghanistan đào ngũ mỗi tháng. Những con số này cũng không còn được công bố công khai nữa.
Vào những năm 1990, Afghanistan là một sản phẩm đặc biệt của quá khứ. Mỹ đã rảnh tay khi Liên Xô rút quân. Nga đã khi đó đã phải hạ mình, rơi vào tình trạng hỗn loạn và đối mặt với sự vỡ nợ quốc gia. Hàng nghìn tay súng nước ngoài, còn sót lại từ các thành phần thánh chiến ở Afghanistan, Bosnia và Chechnya, không có nơi nào để đi, và Osama Bin Laden - một thủ lĩnh danh tiếng và có sức lôi cuốn - đã tập hợp tất cả lại. Khi đó chưa có một công ty Trung Quốc nào hoạt động tại đây, và chủ nghĩa khủng bố cũng không được để ý một cách sát sao.
Ngày nay, các nước láng giềng của Afghanistan quan tâm nhiều đến nước này hơn là Mỹ. Pakistan muốn một Kabul ổn định và dễ tác động, như trước đây, mặc dù không còn dễ dãi với chủ nghĩa khủng bố của Taliban như thời trước khi xảy ra vụ 11/9, bởi sự hỗ trợ này có thể phản tác dụng thành một cuộc nổi dậy khiến hàng trăm nghìn người Pakistan thiệt mạng.
Pakistan hẳn là muốn thỏa hiệp với Iran, nước đặt quan tâm đến việc bảo vệ cộng đồng thiểu số người Shi’ite ở Afghanistan. Trung Quốc và Nga cũng có một lợi ích chung trong sự ổn định ở Afghanistan. Trung Quốc có đường biên giới với Afghanistan và hàng chục người Duy Ngô Nhĩ từng được huấn luyện trong al-Qaeda tại Afghanistan. Hàng triệu người dân Trung Á đang làm việc tại Nga và Moskva cũng không muốn họ bị cực đoan hóa.
Binh sỹ Nga - Trung Quốc trong một lần diễn tập chung. Cả hai nước này đều có một lợi ích chung trong sự ổn định ở Afghanistan. Ảnh minh họa. |
Afghanistan cũng đang phải nhờ cậy kinh tế vào các nước láng giềng khi thiếu sự giúp đỡ của Mỹ. Đối với các công ty Mỹ, Afghanistan quá tham nhũng, bất ổn và bạo lực. Nhưng tư duy này không đúng với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bởi họ có được sự hỗ trợ về kinh tế và chính trị cần thiết để khai thác cả nghìn tỷ USD khoáng sản của Afghanistan.
Các doanh nghiệp Nga, Iran và Trung Quốc cũng đang tìm cách xây dựng một đường ống dẫn kết nối Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ, theo đó sẽ đưa khí đốt của Turkemistan sang thị trường Nam Á và điều này đòi hỏi một sự ổn định chính trị dài hạn.
Một số quan ngại khác của Mỹ - như là quyền phụ nữ, phát triển kinh tế, và sản xuất thuốc phiện - vẫn còn tồn tại, thậm chí còn gia tăng trong 18 năm qua. 14 nghìn binh sỹ Mỹ sẽ không thể giải quyết được các vấn đề này.
Mỹ nên tiếp tục đơn phương tấn công các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và al-Qaeda tại Afghanistan mà không cần triển khai quân liên tục tại đây. Mỹ nên tái bố trí các nguồn cung của mình để đối phó các mối đe dọa đang nổi lên ở những nơi khác, như là ở Sahel, nơi Mỹ cân nhắc giảm quân bất chấp sự gia tăng các nguy cơ an ninh.
Thế giới hiện nay quá năng động để Afghanistan có thể trở lại với tình trạng trước vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. Nếu có thể quay lại thời kỳ đó, thì chính sách của Mỹ nên thừa nhận rằng các nước khác sẽ lấp đầy chỗ trống mà họ bỏ lại sau khi rút quân. Đây không phải là một điều tồi tệ, và sẽ chẳng thể tồi tệ hơn tình trạng của Afghanistan hiện nay.