• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao Việt Nam chiến thắng còn Mỹ thất bại trong cuộc chiến Covid-19?

Thành công trongcuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam đều nhờ khả năng điều phối người...

Trong khi Việt Nam chưa có ca tử vong chính thức nào vì dịch Covid-19 thì tại Mỹ, quốc gia từng là kẻ thù chiến tranh trong lịch sử, số người thiệt mạng vì đại dịch này giờ đã vượt qua cả con số thương vong trong cuộc chiến mà họ hay gọi là “Chiến tranh Việt Nam”.

Theo số liệu mới nhất, con số người chết vì đại dịch Covid-19 tại Mỹ hiện 69.680. Trong khi đó, tổng số người Mỹ đã chết trong cuộc chiến với Việt Nam là khoảng 58.220 người, bắt đầu bằng cái chết của hai cố vấn người Mỹ năm 1959 và kết thúc vào năm 1975 khi quân Mỹ buộc phải rút khỏi nước ta.

Tấm áp phích với thông điệp:
Tấm áp phích với thông điệp: "Ở nhà là yêu nước" tại Việt Nam.

Dù có chung đường biên giới với Trung Quốc – nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh, số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam mới chỉ dừng ở con số 271 và không có bất kỳ một ca tử vong nào. Nhiều người tin rằng số ca lây nhiễm tại Việt Nam có thể nhiều hơn do hiện mới chỉ kiểm tra được trên 88.000 người, vậy nhưng dù sao nước ta vẫn là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới.

Đội ngũ của chúng tôi tại Hà Nội đang làm việc rất sát sao cùng với Bộ Y tế. Và theo những thông tin mà tôi nhận được thì tính tới thời điểm này, không có bất cứ một dẫn chứng nào cho thấy các con số đó là sai lệch”, ông MacArthur, đại diện của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) tại Thái Lan khẳng định.

Trái ngược với vị thế và sự hùng hậu về tài nguyên của Mỹ so với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, chính phủ Mỹ đã không có những động thái nhanh nhạy trong việc ứng phó với đại dịch ngay từ những bước đầu, bỏ qua cơ hội trong những khoảng thời gian quan trọng và quý báu, đó là một trong những yếu tố dẫn đến con số tử vong tăng cao tại nước này.

Chính phủ Mỹ đã không phối hợp hiệu quả trong công cuộc truyền tải những tin tức về sức khỏe và những thông điệp bảo vệ an toàn cho cộng đồng, hay lan tỏa thông điệp về dịch bệnh và sức khỏe qua những chương trình phát sóng, những ấn phẩm in ấn truyền thông, những áp phích đường phố hay nhiều cảnh báo khác như cách mà Hà Nội đã làm trong cuộc chiến với đại dịch lần này.

Một phụ nữ đeo khẩu trang nhận túi gạo miễn phí tại một góc phố cổ Hà Nội hôm 27/4/2020 (Ảnh: AFP/ Nhac Nguyen).
Một phụ nữ đeo khẩu trang nhận túi gạo miễn phí tại một góc phố cổ Hà Nội hôm 27/4/2020 (Ảnh: AFP/ Nhac Nguyen).

Chiến thắng trong cuộc chiến chống Mỹ và giờ là thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng này đều nhờ khả năng điều phối người dân hành động, định hướng truyền thông và kiểm soát cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân một cách đồng bộ.

Ngày 23/4, một số văn phòng, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, địa điểm du lịch, trung tâm thể dục và một vài nơi khác tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng nhưng một vài nơi khác đã bắt đầu mở cửa trở lại sau lệnh cách ly xã hội từ ngày 1/4. Quyết định nới lỏng cách ly của chính phủ được ban hành do không còn những ca nhiễm mới trong nhiều ngày.

Một số những địa điểm mang rủi ro cao như các lễ hội, vườn thú, các tiệm làm đẹp hay những cơ sở kinh doanh vẫn tiếp tục đóng cửa. Một số tỉnh thành như Bắc Ninh, Hà Giang hay các khu vực lân cận trong Hà Nội vẫn chịu lệnh bán phong tỏa.

Chúng ta cần học cách sống chung với đại dịch. Chúng ta không thể để nó phá hủy nền kinh tế hay đất nước. Chúng ta cần đặt tính mạng người dân lên đầu và tiếp tục áp dụng các biện pháp chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chiến lược “cùng sống an toàn” này cho phép người dân làm việc nhưng vẫn phải duy trì khoảng cách xã hội, thường xuyên rửa tay và khai báo thông tin sức khỏe khi di chuyển giữa các tỉnh thành.

Các chuyến bay quốc tế vẫn bị hạn chế nhưng một số chuyến cũng như giao thông công cộng tại Việt Nam đã bắt đầu hoạt động trở lại. Trường học cũng đã bắt đầu mở cửa đón học sinh trở lại.

Mọi người được yêu cầu kiềm chế nói chuyện, ăn uống và phải đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng”, cổng thông tin của Chính phủ khuyến cáo.

Một tấm áp phích tuyên truyền thông điệp ngăn ngừa dịch bệnh trên đường phố Hà Nội hôm 29/4/2020 (Ảnh: AFP/Manan Vatsyayana). 
Một tấm áp phích tuyên truyền thông điệp ngăn ngừa dịch bệnh trên đường phố Hà Nội hôm 29/4/2020 (Ảnh: AFP/Manan Vatsyayana). 

Thế nhưng tại Mỹ, chính phủ lại phản ứng bằng những “bản vá” của lệnh phong tỏa với nhiều hạn chế khác nhau. Trong khi một số bang và các thành phố lớn áp dụng lệnh buộc ở nhà một cách nghiêm ngặt thì tại một số nơi khác lại dường như không chịu ảnh hưởng nhiều từ lệnh kiểm soát.

Những cách ứng phó không đồng đều ấy còn bắt đầu trong những ngày khác nhau, cho phép virus nguy hiểm này có thể lan từ những nơi đã bị phong tỏa và làm lây nhiễm những địa điểm vẫn còn mở cửa.

Cũng phải nhắc đến rằng, Việt Nam đã có được những kinh nghiệm quý báu khi đối phó với các dịch bệnh đến từ quốc gia láng giếng Trung Quốc như dịch SARS, cúm gia cầm và cúm lợn.

Bí quyết chiến thắng đại dịch của Việt Nam được tiết lộ khi nhìn về quãng thời gian qua khi cả nước gồng mình chống dịch.

Ngày 16/1, Bộ Y tế cảnh báo chính phủ về cách để ngăn chặn một đại dịch sắp bùng phát. Chính phủ đã phổ biến tới hàng trăm bệnh viện và phòng khám tại Việt Nam vào ngày 21/1 tinh thần đối phó với bệnh dịch.

Ca nhiễm đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào ngày 23/1 khi hai bố con người Trung Quốc bay sang từ Vũ Hán vào ngày 13/1.

Cảnh sát cung cấp khẩu trang cho người dân trên đường phố Hà Nội (Ảnh: Internet).
Cảnh sát cung cấp khẩu trang cho người dân trên đường phố Hà Nội (Ảnh: Internet).

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh đã được thiết lập ngay vào ngày 30/1 khi Hiệp hội sức khỏe thế giới (WHO) công bố virus là một “Mối lo ngại quốc tế về tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng”.

Đầu tháng Hai, Việt Nam bắt đầu cảnh báo cộng đồng và tạo một trang web thông tin. Tiếp đó, những lệnh phong tỏa của chính phủ đã gần như giải tỏa hoàn toàn những nhóm tập trung đông người trên đường phố và tại một số tỉnh thành, khu vực. Người dân dần chỉ được phép ra ngoài để mua thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác.

Cảnh sát được điều động để phạt những cá nhân không đeo khẩu trang khi ra đường, cảnh báo "sẽ bỏ tù" nếu người dân không đeo khẩu trang khiến lây bệnh cho người khác và ra lệnh cấm tụ tập từ 20 người trở lên.

Thành phố cũng cho cách ly tất cả các khu vực xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Đội ngũ Y tế đã đi kiểm tra từng nhà quanh khu vực xuất hiện các ca nhiễm mới.

Họ thực sự đang làm công việc của mình. Tôi cho rằng đó chính là lý do Việt Nam có thể duy trì số ca lây nhiễm nhỏ như vậy”, ông Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết.

Hàng chục ngàn người, bao gồm cả người dân lẫn khách du lịch đến Việt Nam đều trở thành đối tượng bị cách ly tại các khu tập thể quân đội khắp đất nước. Tại đó, những người lính đã đặt các suất ăn theo bữa bên ngoài mỗi phòng.

Trong tuần đầu tiên của tháng Ba, Việt Nam đã nhanh chóng cho dừng tất cả các chuyến bay đến, qua hay đi từ Trung Quốc. Chính quyền cũng theo dõi sát sao những hành khách từ các chuyến bay quốc tế, và ban lệnh cấm nhập cảnh đối với các khách quốc tế sau ngày 22/3, ngoại trừ công dân Việt Nam trở về nhà hay những cá nhân khác thì đều phải trải qua hai tuần cách ly.

Khi Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội và quán bar Buddha tại TP Hồ Chí Minh trở thành điểm nóng của dịch bệnh, một lệnh phong tỏa quy mô lớn đã được ban hành vào ngày 1/4.

Trái ngược với những lùm xùm trong cuộc chiến đại dịch tại Mỹ, thành công của Việt Nam đã đến đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam đánh bại Mỹ, thống nhất đất nước. Một lần nữa, Việt Nam đã thể hiện được sự ấn tượng, một sức mạnh không ngờ của một quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé dù vẫn đang gánh chịu những vết thương chiến tranh nhưng không có sự mất mát nào mà đại dịch Covid-19 này đem lại.

TM (theo asiatimes)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật