• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam thành công bước đầu chống Covid-19, phải chăng là phép màu?

Theo trang Aljazeera, các chuyên gia WHO cho rằng chính sự phản ứng nhanh của chính phủ là yếu tố...

(Trang Al Jazeera vừa có một bài tổng kết quá trình chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. PNM xin lược dịch)
Trong khi đại dịch virus corona đang lan nhanh trên toàn cầu thì Việt Nam đã tuyên bố tất cả 16 ca nhiễm bệnh trong nước, bao gồm cả bệnh nhân lớn tuổi nhất (73 tuổi) đã được chữa khỏi và ra viện vào hôm thứ Tư.

Tính đến 2/3, chính phủ đã không phát hiện ra bất cứ ca nhiễm mới nào, thậm chí cả trong khu làng phía Bắc (Sơn Lôi -ND) từng bị phong tỏa 20 ngày tại Hà Nội. Ca nhiễm cuối được thông báo là vào hôm 13/2.

“Nếu coi cuộc chống Covid-19 này là một cuộc chiến thì chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn, nhưng chưa thắng cả cuộc chiến bởi tình hình dịch diễn biến rất khó lường”, câu nói của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã được Bộ y tế trích lại trong một cuộc họp online với thành phố và các chính quyền các quận vào hôm thứ Ba.

Mặc dù hiện trên thế giới, đại dịch hiện đang khiến hơn 100.000 người nhiễm bệnh và tước đi sinh mạng của hơn 3.000 người. Thế nhưng tại Việt Nam, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tổ chức y tế thế giới WHO cho rằng chính những phản ứng nhanh của chính phủ đối với công tác phòng chống dịch là mấu chốt trong việc kiểm soát đại dịch ngay từ những giai đoạn đầu.

Phản ứng chủ động, nhất quán

Xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc bị phong tỏa trong vòng 20 ngày khi xuất hiện các ca nhiễm mới. Tất cả những người ra vào xã đều phải được kiểm tra thân nhiệt và làm theo những quy định nghiêm ngặt của chính quyền (Ảnh: Internet).
Xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc bị phong tỏa trong vòng 20 ngày khi xuất hiện các ca nhiễm mới. Tất cả những người ra vào xã đều phải được kiểm tra thân nhiệt và làm theo những quy định nghiêm ngặt của chính quyền (Ảnh: Internet).

Theo đại diện của WHO tại Việt Nam, ngài Kidong Park, những tố chất làm nên thành công của chính phủ Việt Nam là sự chủ động và nhất quán trong suốt quá trình chống dịch.

Cơn ác mộng về dịch bệnh tại Việt Nam bắt đầu khi hai cha con quốc tịch Trung Quốc được phát hiện mắc bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh vào hôm 23/1, ngày đầu tiên của đợt nghỉ lễ Tết Nguyên Đán.

Sau đó, chính quyền Việt Nam đã tuyên bố đại dịch vào hôm 1/2 khi số ca nhiễm bệnh trong nước tăng lên 6.

Vào ngày 13/2, Bộ Y tế đã chỉ thị tất cả 10.600 hộ dân của xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc tạm thời bị phong tỏa, cách ly trong 20 ngày sau khi một vài ca nhiễm mới xuất hiện tại đây.

Theo ông Park, “Việt Nam đã kích hoạt hệ thống phản ứng ngay từ những giai đoạn đầu của đại dịch bằng các biện pháp theo dõi sát sao, tăng cường thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, đảm bảo ngăn ngừa và kiểm soát các ca lây nhiễm trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền những thông điệp rõ ràng về sự nguy hiểm của dịch bệnh, và có sự hợp tác tốt giữa các ban ngành”.

Vẫn chưa có phương thức điều trị

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng trên một chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài (Ảnh: Reuters).
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng trên một chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài (Ảnh: Reuters).

Trong một cuộc họp báo tại Hà Nội vào đầu tháng Hai sau khi 10 ca nhiễm bệnh được phát hiện, Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Long cho biết “Hiện vẫn chưa có phương thuốc điều trị cho virus này, các y bác sĩ chỉ điều trị dựa trên những nguyên tác cơ bản”.

Các nhân viên y tế được hướng dẫn để tuân theo một số quy trình để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đầu tiên, các bác sĩ được yêu cầu điều trị các triệu chứng như sốt, sau đó đặt bệnh nhân vào một chế độ dinh dưỡng nghiêm khắc và theo dõi sát sao mức độ bão hòa oxy trong máu của bệnh nhân.

Bên cạnh những nỗ lực điều trị dịch bệnh sau cánh cửa bệnh viện, Việt Nam cũng đồng thời cho hàng loạt học sinh, sinh viên nghỉ học nhằm ngăn ngừa sự lây nhiễm.

An toàn là trên hết

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, chia sẻ trong một cuộc họp hôm thứ Ba “An toàn của học sinh, sinh viên phải được đặt lên trên hết”.

Sinh viên và học sinh trung học phổ thông đã bắt đầu đi học trở lại từ ngày 2/3 sau một thời gian dài nghỉ tránh dịch từ Tết Nguyên đán (Ảnh: T.N).
Sinh viên và học sinh trung học phổ thông đã bắt đầu đi học trở lại từ ngày 2/3 sau một thời gian dài nghỉ tránh dịch từ Tết Nguyên đán (Ảnh: T.N).

Chính vì vậy, Bộ cũng yêu cầu các trường học phải khử trùng các lớp học trước khi học sinh đi học trở lại. Bên cạnh đó, giáo viên và các nhân viên của trường cũng phải có trách nhiệm nhắc nhở sinh viên rửa tay diệt khuẩn đúng cách, thực hiện kiểm tra thân nhiệt từng sinh viên khi đến lớp và chuẩn bị các mẫu điền về sức khỏe để theo dõi học sinh, sinh viên.

Theo chỉ thị của Bộ Giáo dục, hiện sinh viên và học sinh trung học phổ thông đã bắt đầu đi học trở lại từ ngày 2/3, trong khi các trẻ mầm non, học sinh tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được nghỉ từ 1-2 tuần.

Bà Lê Hạnh, một bác sĩ tâm lý tại một trường học gần 2000 học sinh tại TP. Hồ Chí Minh cho biết bà rất lo lắng khi trở lại trường, hy vọng mọi chuyện sẽ ổn khi thời tiết nóng như vậy.

Cấm việc xuất khẩu động vật hoang dã

Trong khi Việt Nam đã làm khá tốt việc ngăn ngừa virus tính tới thời điểm hiện tại, một số người tin rằng vẫn còn khá nhiều việc cần làm, đặc biệt trên phương diện buôn bán động vật hoang dã.

Các hoạt động vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã hiện đã tạm thời bị cấm (Ảnh: H.Thơ/laodong).
Các hoạt động vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã hiện đã tạm thời bị cấm (Ảnh: H.Thơ/laodong).

Những động vật hoang dã này hiện được nhận diện như là một cầu nối lây truyền bệnh sang người, tương tự như dịch bệnh SARS trong năm 2002 hay MERS vào năm 2012.

Là một điểm nóng trong việc vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 28/1 đã chỉ thị cấm việc nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam. Bên cạnh đó, theo một văn bản chính thức từ 2 tuần trước, Cục Kiểm lâm cũng tạm thời cấm mọi hoạt động vận chuyển động vật hoang dã ra khỏi Việt Nam.

Thế nhưng những chỉ đạo này được áp dụng ra sao và những hành động cụ thể nào được thực hiện thì vẫn chưa rõ ràng. Theo ông Ben Rawson, đại diện Quỹ Động vật hoang dã thế giới tại Việt Nam chia sẻ trên tờ Al Jazeera, hiện vẫn chưa có lệnh cấm chính thức việc tiêu thụ động vật hoang dã. Những khu chợ, nhà hàng, trang trại bắt giữ, mổ thịt, lưu trữ động vật trái phép cho tới giờ vẫn không bị ảnh hưởng gì nhiều.

Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc

Mặc dù Việt Nam hiện đang làm tốt việc quản lý sự lây lan của virus, nhưng cũng không nên quá chủ quan khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các quốc gia như Hàn Quốc.

Việt Nam không nên chủ quan khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khá phức tạp trên toàn cầu.
Việt Nam không nên chủ quan khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khá phức tạp trên toàn cầu.

Trở thành ổ dịch lớn thứ hai sau Trung Quốc, hiện Việt Nam đã có thông báo cách ly 14 ngày với các du khách Hàn Quốc đến Việt Nam thời gian này. Các chuyến bay từ Hàn Quốc đến Việt Nam cũng được chỉ định chỉ hạ cánh xuống 3 sân bay trong nước. Việt Nam đã tuyên bố tạm thời ngừng miễn visa cho những công dân quốc tịch Hàn Quốc, Ý. Đồng thời, những du khách từ Hàn Quốc, Iran, Ý cũng sẽ là đối tượng bị cách ly 14 ngày nếu đặt chân đến Việt Nam.

Hôm thứ Sáu, cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho biết đại dịch đang lớn lên từng ngày. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với đối với virus, cho biết cuộc chiến với virus vẫn còn lâu mới kết thúc, cảnh báo về mức độ lây lan đang tăng dần trên toàn cầu.

“Chúng ta đang trong một giai đoạn quan trọng của đại dịch. Các quốc gia, gồm cả Việt Nam, nên tận dụng thời điểm này để chuẩn bị cho khả năng lây lan rộng hơn của virus”, ông Park nhấn mạnh.

Sen Nguyễn

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật