Pony Ma, ông chủ của Tencent Holdings, được biết đến là người có thái độ ôn hòa và khôn ngoan trong cách hành xử với chính quyền Trung Quốc. Nhưng trong 9 tháng đàn áp của chính quyền, ông bị tổn thất nhiều tài sản hơn cả Jack Ma, người sáng lập Alibaba và Ant Group.
Điều bất ngờ này nhấn mạnh việc siết các tập đoàn công nghệ của Bắc Kinh đã mở rộng nhanh chóng như thế nào kể từ khi các nhà chức trách xem xét đợt IPO của Ant Group vào ngày 3/11/2020.
Ban đầu, cuộc đàn áp này trông giống như một chiến dịch nhắm vào "ông trùm" công nghệ thẳng thắn nhất của Trung Quốc - Jack Ma. Nhưng sau đó, nó đã nhanh chóng lan rộng đến mọi ngóc ngách của ngành công nghiệp thương mại điện tử và nhiều lĩnh vực khác.
Trong hầu hết chiến dịch kéo dài 9 tháng của Trung Quốc để kiểm soát các công ty công nghệ lớn, Tencent vẫn hoạt động khá ổn định so với đối thủ của mình, Alibaba. Một phần của điều này là nhờ sự kín tiếng của Pony Ma, ông dường như đứng ngoài "ánh đèn sân khấu" của cuộc đàn áp.
Trong khi Alibaba phải nhận án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD chống độc quyền, thì Tencent chỉ bị phạt vì không đạt được sự chấp thuận trong các thương vụ mua lại và đầu tư trước đó. Chi nhánh âm nhạc của Tencent ngỡ như phải "tan rã", thì nhận được lệnh chỉ từ bỏ quyền phát trực tuyến độc quyền.
Tuy nhiên, tình thế đã lật ngược vào hôm 3/8. Cổ phiếu Tencent công bố mức giảm mạnh nhất trong một thập kỷ qua, sau khi tờ Thông tin Kinh tế trực thuộc Tân Hoa xã "tấn công" vào ngành kinh doanh trò chơi chủ chốt của công ty. Điều này làm dấy lên suy đoán, rằng nó có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của cuộc đàn áp của Bắc Kinh.
Vốn hóa thị trường của Tencent, vốn đạt gần 1.000 tỷ USD vào đầu năm nay, nhanh chóng "bốc hơi" hơn 60 tỷ USD và giảm xuống còn 550,5 tỷ USD.
Tài sản của Pony Ma cũng theo đó giảm gần 14 tỷ USD xuống còn 45,8 tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg. Hiện ông đứng thứ ba trong danh sách người giàu Trung Quốc sau Jack Ma, người có tài sản ròng 47,8 tỷ USD.
Hôm 4/8, các phương tiện truyền thông nhà nước đã giảm nhẹ ngôn từ đối với Tencent, giúp cổ phiếu của công ty phục hồi hơn 5% nhưng vẫn thấp hơn 17% trong năm. Những gì xảy ra tiếp theo sẽ phục thuộc vào động thái của các nhà chức trách.
Tencent sau đó đã có động thái trấn an chính quyền, cam kết tiếp tục giới hạn thời gian chơi đối với trẻ vị thành niên và cấm những người chơi nhỏ tuổi mua hàng trong trò chơi. Công ty cũng đề cập đến việc cấm hoàn toàn trò chơi đối với trẻ dưới 12 tuổi.
Bài viết của tờ Thông Tin Kinh Tế có tiêu đề "Một thứ thuốc phiện tinh thần đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ".
Cụ thể, tờ báo đề cập đến trò chơi hàng đầu do Tencent phát triển và phát hành là "Vinh giả vương diệu" và cho rằng đây là trò chơi "phát triển theo hướng phá hủy cả một thế hệ".
Báo South China Morning Post (SCMP) gọi bài viết này là "cuộc tấn công mạnh mẽ nhất" của truyền thông nhà nước vào ngành công nghiệp game và Tencent - ông trùm trong ngành game Trung Quốc.