Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang khiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt tại khu vực Trung Đông, gây ra làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại đây trong khi tỷ lệ dân số được tiêm vaccine vẫn ở mức thấp.
Theo WHO, biến thể Delta đã xuất hiện ở 15 trong số 22 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Trung Đông. Hầu hết các ca nhiễm và nhập viện mới là những người chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Tính đến tuần cuối của tháng 7 này, chỉ 41 triệu người, tương đương 5,5% dân số tại khu vực Trung Đông đã được tiêm đủ liều vaccine.
Số liệu thống kê cho thấy số ca nhiễm mới và tử vong trong tháng 6 tại khu vực Trung Đông đã tăng lần lượt là 55% và 15% so với tháng trước đó. Mỗi tuần, khu vực này ghi nhận hơn 310.000 ca nhiễm và 3.500 ca tử vong vì COVID-19.
Tình trạng thiếu nghiêm trọng bình oxy và giường cho bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt đã làm giảm khả năng cứu chữa của hệ thống y tế khu vực.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/7 cảnh báo thế giới đang đối mặt với nguy cơ đánh mất những thành tựu rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống COVID-19 do sự lây lan của biến thể Delta, nhưng khẳng định các loại vaccine do WHO phê duyệt vẫn hiệu quả đối với dịch bệnh.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu, số ca mắc COVID-19 đã tăng 80% trong 4 tuần qua tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Số ca tử vong tại châu Phi – nơi mới có 1,5% dân số được tiêm ngừa – đã tăng 80% trong cùng giai đoạn.
Ông Tedros nói: “Các thành tựu khó khăn đang bị đe dọa hoặc đã bị mất, hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang bị quá tải”.
WHO cho biết biến thể Delta đã được phát hiện tại 132 quốc gia, trở thành chủng COVID-19 phổ biến trên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, các vaccine được cơ quan này phê duyệt vẫn tạo ra “sự bảo vệ đáng kể đối với khả năng bệnh trở nặng hoặc phải nhập viện do tất cả các biến thể gây ra, kể cả biến thể Delta”.
Chuyên gia của WHO về COVID-19, bà Maria van Kerkhove cho biết biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với các biến thể đầu tiên của virus COVID-19 được phát hiện tại Trung Quốc cuối năm 2019.
Chuyên gia này cũng lưu ý, một số nước đã ghi nhận tỷ lệ nhập viện cao hơn nhưng chưa có số liệu cho thấy biến thể Delta gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn ở các ca nhiễm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo biến thể Delta dễ lây nhiễm như bệnh thủy đậu.
Trong khi đó, Trung Quốc, một trong những nước được đánh giá kiểm soát tốt dịch COVID-19, đang đối mặt với đợt bùng phát mới nghiêm trọng do sự xuất hiện của biến thể Delta, với tâm điểm là thành phố Nam Kinh.
Tính tới ngày 30/7, thành phố này đã ghi nhận tổng cộng 184 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng kể từ khi 9 nhân viên vệ sinh ở sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Ổ dịch này lây lan sang 5 tỉnh và thủ đô Bắc Kinh, buộc hàng trăm nghìn người phải sống trong cảnh phong tỏa trong bối cảnh giới chức nước này đang nỗ lực dập dịch. Ít nhất 206 ca mắc trên toàn quốc có liên quan đến ổ dịch ở Nam Kinh.
Cơ quan y tế thành phố Nam Kinh – thủ phủ tỉnh Giang Tô cho biết một chuyến bay từ Nga đã được xác định là nguồn gốc dẫn đến đợt lây nhiễm đại dịch COVID-19 mới nhất ở thành phố này.
Các nhân viên sân bay bị nhiễm bệnh khi làm vệ sinh khoang máy bay.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 31/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 197.925.103 ca, trong đó có 4.222.787 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại.
Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Anh, Indonesia và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Sau 6 tháng, Mỹ lại chứng kiến số ca mắc mới trong ngày cao kỷ lục với trên 66.000 trường hợp.