• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

WHO cảnh báo nhiều nước từ bỏ kiểm soát dịch COVID-19

Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, thừa nhận nỗ lực phòng chống dịch bệnh bước...

Trong tuyên bố ngày 26/10, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới ( WHO ), Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo việc từ bỏ những nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19   là điều nguy hiểm, đồng thời hối thúc các nước không từ bỏ những nỗ lực này, theo TTXVN.

Trong cuộc họp báo trực tuyến, ông Tedros thừa nhận sau nhiều tháng ứng phó với dịch COVID-19, hiện đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,1 triệu người, nỗ lực phòng chống dịch bệnh bước vào giai đoạn mệt mỏi, nhưng ông hối thúc các nước không được từ bỏ những nỗ lực.

Theo ông, lãnh đạo các nước cần có hành động nhanh chóng để tiêu diệt virus cũng như ổn định cuộc sống và kế sinh nhai của người dân.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesu. Ảnh: Reuters
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesu. Ảnh: Reuters

Người đứng đầu WHO đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadow trả lời hãng tin CNN, cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện chú trọng công tác giảm nhẹ dịch bệnh, thay vì tiêu diệt virus SARS-CoV-2.

Cụ thể, hôm 25/10, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nói trên chương trình “State of the Union” của CNN: "Chúng tôi sẽ không kiểm soát đại dịch COVID-19".

Ông Meadows giải thích rằng, mặc dù các nỗ lực ngăn chặn đang được thực hiện, song chính phủ sẽ tập trung vào các yếu tố giảm thiểu như vaccine và liệu pháp điều trị, vì biết rằng COVID-19 có thể lây lan như bệnh cúm, theo LĐO.

Ông Tedros bày tỏ sự nhất trí với quan điểm của Mỹ chú trọng công tác giảm nhẹ dịch bệnh, song nhấn mạnh việc giảm nhẹ và kiểm soát dịch bệnh không mâu thuẫn và có thể được thực hiện cùng lúc.

Ông kêu gọi trách nhiệm từ mỗi cá nhân để giảm thiểu nguy cơ lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan khẩn cấp của WHO, Micheal Ryan đánh giá châu Âu đang là tâm dịch COVID-19, khi số ca nhập viện điều trị tăng nhanh và đang dần khiến các trung tấm y tế và chăm sóc sức khỏe quá tải.

Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại châu Âu chiếm 46% số ca bệnh và gần 1/3 số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới một bệnh viện ở Burgos, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới một bệnh viện ở Burgos, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh đó, nhiều nước tại châu lục này đã ban bố lệnh giới nghiêm, và quy định một loạt biện pháp hạn chế mới để ứng phó với tình hình dịch bệnh có chiều hướng xấu đi hiện nay.

Theo dự kiến, Bộ trưởng y tế của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến ngày 30/10, để thảo luận về vai trò của khối trong việc củng cố WHO.

Hội nghị trực tuyến sẽ diễn ra trước kỳ họp thứ 73 của Đại hội đồng y tế thế giới, dự kiến diễn ra từ ngày 9-14/11. Các nước thành viên EU cùng với Anh hiện đang là những nhà tài trợ lớn nhất cho WHO.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 11h00 ngày 27/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 43.777.133 ca, trong đó có 1.164.515 người thiệt mạng.

Ngày 26/10, thế giới có tới 152 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 97 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại.

Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.

Mỹ vẫn đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 8.962.783 ca nhiễm và 231.045 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 7.946.429 ca nhiễm và 119.535 ca tử vong, và Brazil với 5.411.550 ca nhiễm và 157.451 ca tử vong.

(Tổng hợp)

AN LY

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật