Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập cuộc họp với các thành viên của Ủy ban Khẩn cấp vào 2h ngày 23/6 tại Geneva (theo giờ địa phương, khoảng 5h ngày 24/6 theo giờ Việt Nam). Theo Reuters, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ quyết định việc tuyên bố đậu mùa khỉ có phải tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không sau cuộc họp này.
Hầu hết chuyên gia đều cho rằng bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát phù hợp với tiêu chí của WHO về định nghĩa tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đây là một sự kiện đột ngột và bất thường, lan rộng trên phạm vi quốc tế, cần có sự hợp tác xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, theo trợ lý giáo sư y tế toàn cầu Clare Wenham, trường Kinh tế London, Anh, WHO đang ở vị trí bấp bênh sau Covid-19.
"Nếu WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp và các quốc gia không hành động, điều đó có thể làm suy yếu vai trò của cơ quan này trong việc kiểm soát dịch bệnh toàn cầu. Dù làm hay không, họ cũng tiến thoái lưỡng nan", bà nói.
Giáo sư Emmanuel Nakoune, quyền Giám đốc Viện Pasteur ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, cho rằng: "Khi một căn bệnh ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, nó dường như không phải là trường hợp khẩn cấp. Nó chỉ trở thành trường hợp khẩn cấp khi các nước phát triển bị ảnh hưởng". Tuy nhiên, GS Nakoune nhận định nếu WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho bệnh đậu mùa khỉ, đây vẫn là quyết định quan trọng.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các phóng viên ngày 22/6, quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, ông Ahmed Ogwell Ouma, cho biết số ca bệnh đậu mùa khỉ và người tử vong trên lục địa này đã ở "mức khẩn cấp".
Theo thống kê của Reuters, số ca mắc trong đợt bùng phát hiện tại đã vượt mốc 3.000 người ở hơn 40 quốc gia bên ngoài châu Phi. Phần lớn bệnh nhân là đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Ngoài ca tử vong ở Nigeria, một ca nghi tử vong ở Brazil, các nước còn lại chưa ghi nhận thương vong.