Ngày 1/9, hãng AFP đưa tin, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước lắng nghe người biểu tình phản đối các biện pháp phòng chống Covid-19, đồng thời nhấn mạnh virus rất nguy hiểm.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng: “Chúng ta nên tham gia vào một cuộc đối thoại thành tâm. Virus là có thực, nguy hiểm, lây lan nhanh và gây chết chóc. Chúng ta phải làm mọi thứ để bảo vệ bản thân và người khác”.
Biểu tình tại Berlin, Đức vào ngày 30.8 phản đối các biện pháp phòng chống Covid-19 |
Trước đó vào ngày 29/8, cảnh sát Đức đã phải giải tán hàng chục ngàn người biểu tình phản đối các quy định giới hạn trong phòng chống Covid-19 và bắt giữ 300 người. Một số cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại London (Anh), Paris (Pháp) và Zurich (Thụy Sĩ).
Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan nói rằng dịch bệnh và tình trạng khẩn cấp làm ảnh hưởng đến cảm xúc của mọi người, các biện pháp chống dịch luôn cứng rắn vì vậy việc người dân biểu tình phản đối là điều dễ hiểu. Điều quan trọng là các nước không hành động quá mức với những người biểu tình mà cần đối thoại với họ.
Mới đây, tờ South China Morning Post dẫn một nghiên cứu do giáo sự Juergen Richt tại Đại học bang Kansas (Mỹ) cho thấy virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19 có thể tồn tại đến 1 tuần ngoài trời trong nhiệt độ và độ ẩm thấp vào mùa thu, dài hơn 1-3 ngày so với mùa hè. Các nhà nghiên cứu cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm phức tạp trong thời gian tới ở bắc bán cầu.
Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ đóng góp 476 triệu USD vào sáng kiến về vắc xin do WHO dẫn đầu, trong đó có Đức. Sáng kiến nhằm mua 2 tỉ liều vắc xin Covid-19 cho tất cả các nước trên thế giới trước thời điểm cuối năm 2021.