Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17/8 cho biết đang có các nghiên cứu đánh giá khả năng những biến đổi về gene trong virus gây bệnh đậu mùa khỉ là nguyên nhân khiến căn bệnh này đang lây lan mạnh.
Trước đó, WHO đã công bố tên gọi mới cho 2 biến thể của virus gây bệnh đậu mùa khỉ phổ biến nhất hiện nay nhằm tránh những hàm ý địa lý tiêu cực.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ (ảnh chụp qua kính hiển vi) tại Viện nghiên cứu Robert Koch, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Clade I là tên gọi mới dành cho biến thể có nguồn gốc từ Congo (Trung Phi) mà trước đây hay được gọi với tên không chính thức là “biến thể lưu vực (sông) Congo,” trong khi Clade II là tên mới chỉ biến thể có nguồn gốc từ Tây Phi.
WHO cũng xác nhận biến thể Clade II có 2 biến thể phụ là Clade IIa và Clade IIb, trong đó, Clade IIb được cho là đang gây ra làn sóng bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu.
Cũng trong ngày 17/8, WHO khẳng định 2 biến thể phụ Clade IIa và Clade IIb có quan hệ với nhau và có cùng một “tổ tiên,” do đó Clade IIb không phải là biến thể phụ của Clade IIa.
Clade IIb bao gồm các virus được thu thập trong những năm 1970 và từ năm 2017 trở lại đây.
WHO giải thích: “Khi nghiên cứu bộ gen, thực sự có một số khác biệt di truyền giữa các virus của đợt bùng phát hiện nay và các virus thuộc biến thể Clade IIb trước kia. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết gì về ý nghĩa của những đột biến di truyền này và công tác nghiên cứu đang được tiến hành để xác định tác động (nếu có) của các đột biến đối với sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của căn bệnh.”
Theo WHO, hiện chưa có thông tin gì về vai trò của những đột biến này đối với cách thức tương tác của virus đậu mùa khỉ đối với phản ứng miễn dịch của con người.
Cũng theo WHO, quá trình đặt lại tên cho căn bệnh đậu mùa khỉ có thể “phải mất vài tháng.”
Thời gian gần đây, WHO đã bày tỏ quan ngại về tên gọi hiện nay của căn bệnh, trong đó các chuyên gia cho rằng cách gọi “đậu mùa khỉ” vừa không chính xác vừa dễ gây hiểu nhầm.
Tên gọi hiện nay xuất phát từ việc virus gây bệnh được phát hiện ở những con khỉ thí nghiệm tại Đan Mạch hồi năm 1958.
Tuy nhiên, căn bệnh xuất hiện phổ biến nhất ở các loài gặm nhấm, và đợt dịch hiện nay bùng phát qua tiếp xúc gần giữa người với người./.