Phát biểu tại cuộc họp báo thường nhật tại Geneva tối 11/3 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo tổ chức này đánh giá COVID-19 là đại dịch và kêu gọi các quốc gia quyết liệt đối phó.
BBC trích dẫn lời ông Ghebreyesus nhấn mạnh: "WHO đã liên tục đánh giá sự bùng phát của bệnh và chúng tôi vô cùng quan ngại, cả về mức độ lây lan đáng báo động và tính nghiêm trọng của bệnh cũng như mức độ thiếu hành động ứng phó đáng cảnh báo. Chúng tôi do đó đánh giá COVID-19 hội đủ các đặc điểm là đại dịch".
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, COVID-19 đã tấn công 114 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 118.000 người và cướp đi sinh mạng của ít nhất 4.291 người, chủ yếu tại Trung Quốc đại lục.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: CNN. |
Thực tế, WHO không còn hạng mục phân loại bệnh là "đại dịch", ngoại trừ cúm. Các quan chức WHO đã báo hiệu trong nhiều tuần rằng họ có thể sử dụng từ "đại dịch" như một thuật ngữ mô tả nhưng nhấn mạnh rằng nó không mang ý nghĩa pháp lý. Covid-19 không phải là cúm.
WHO từng tuyên bố dịch cúm lợn H1N1 năm 2009 là đại dịch, tức có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng toàn cầu. Tuy nhiên, dịch này sau đó được coi là không quá nghiêm trọng, khiến WHO hứng chỉ trích là phóng đại vấn đề. Phát ngôn viên WHO ngày 24/2 nói rằng họ đã "không còn sử dụng hệ thống phân loại mức độ nghiêm trọng cũ mà một số người có thể quen thuộc từ năm 2009".
Tedros cho biết số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục đã tăng gấp 13 lần trong hai tuần qua. "Chúng tôi dự đoán số ca nhiễm, số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng sẽ tăng lên cao hơn nữa trong vài ngày và vài tuần tới", ông nói thêm.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO cũng cho rằng số các ca nhiễm và số các nước xuất hiện ca nhiễm "không nói lên bức tranh toàn cảnh". "Tất cả quốc gia vẫn có thể làm thay đổi hướng đi của đại dịch này", ông Tedros khẳng định.
WHO hàng ngày vẫn kêu gọi các nước trên thế giới thực thi các hành động khẩn cấp và tích cực nhằm phòng chống COVID-19.
Các biện pháp nhanh chóng có thể giúp ngăn chặn các ổ dịch lớn cũng như việc lây nhiễm trong cộng đồng, mặc dù có thể điều này sẽ không làm "thay đổi xu thế".
Theo ông Tedros, thách thức giờ đây không phải là việc các quốc gia có thể thay đổi tiến trình lây lan của virus hay không, mà nằm ở chỗ họ có quyết định hành động hay không. Giám đốc WHO cho rằng một số nước đang vật lộn vì thiếu nguồn lực, nhưng có một số nước khác đang vật lộn với sự "thiếu quyết tâm", nhưng không nói rõ là nước nào.
Trước đây, ông Ghebreyesus từng nhiều lần cảnh báo về việc virus corona chủng mới đang lây lan quá nhanh và trở thành mối đe dọa "hiện hữu" với nhiều nơi trên thế giới. Song, quan chức này cũng bày tỏ lạc quan về việc sẽ kiểm soát được dịch bệnh.