Lo lắng về Iran
Châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ có thể đối mặt với nguy cơ trong bối cảnh xung đột Hamas - Israel có khả năng lan rộng ra những nơi khác ở Trung Đông khi các nhà lãnh đạo Jordan, Ai Cập và Palestine rút lui khỏi hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Iran đã kêu gọi các nước Hồi giáo tiến hành tẩy chay Israel ngay lập tức, bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn hơn là căng thẳng có thể ảnh hưởng đến việc di chuyển của các tàu chở dầu qua eo biển Hormuz ở Vịnh Ba Tư, nơi vận chuyển tới 1/3 nguồn cung toàn cầu.
Trung Quốc, Ấn Độ và hầu hết các quốc gia châu Á đều phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ. Căng thẳng ở Trung Đông có thể khiến hai nước này tiếp tục mua dầu Nga giá rẻ.
Sabnavis cho biết, căng thẳng gia tăng có thể làm tăng chi phí bảo hiểm và vận chuyển cho các tàu chở dầu.
Trong chuyến thăm ngắn ngày tới Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng cân bằng giữa việc thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel và việc xoa dịu các đồng minh Ả Rập.
Các nhà phân tích cho biết Israel không sản xuất bất kỳ loại dầu thô nào, nhưng việc Iran có bị lôi kéo vào cuộc xung đột hay không sẽ rất quan trọng đối với xu hướng giá dầu.
“Tôi nghĩ giá dầu rất có thể sẽ giao dịch trong khoảng 95-100 USD/thùng", Gnanasekhar Thiagarajan, giám đốc của Commtrendz Risk Management, cho biết. Đồng thời nhận định, nếu Iran rơi vào xung đột thì giá có thể tăng ngay trong ngày mai.
Madan Sabnavis, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Baroda của Ấn Độ, cho biết: “Nếu giá dầu thô duy trì trên 90 USD/thùng trong hơn hai tuần thì điều đó sẽ tạo ra áp lực cho toàn thế giới”.
Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại nghiên cứu hàng hóa hãng Kpler, cho rằng Israel không có lợi trong trường hợp Iran tham gia vào cuộc xung đột Israel-Gaza, cả về mặt chính trị và quân sự, nên nước này sẽ tìm cách tránh căng thẳng quá mức.
Giá dầu vẫn được hỗ trợ tốt kể từ tháng trước do việc cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất hàng đầu là Ả Rập Saudi và Nga.
Tuy nhiên, xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga, kể từ khi chạm đáy vào tháng 7, đã dần quay trở lại thị trường xuất khẩu sau một thời gian bảo trì tại các nhà máy lọc dầu, Katona cho biết.
Động thái của Mỹ
Tác động của căng thẳng ở Trung Đông đã phần nào được giải quyết khi Mỹ trong tháng này nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela.
Venezuela, một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã bị trừng phạt nặng nề kể từ năm 2019. Động thái của Mỹ có nghĩa là Venezuela hiện có thể sản xuất và xuất khẩu dầu sang các thị trường đã chọn trong 6 tháng tới mà không bị hạn chế.
Cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine đã chứng kiến những nỗ lực toàn cầu mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela, nơi có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.
Năm ngoái, phái đoàn Mỹ đã đến Caracas để gặp Tổng thống Maduro. Sau các cuộc đàm phán ban đầu, Washington đã cấp giấy phép sáu tháng cho tập đoàn năng lượng khổng lồ Chevron của Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích khác cho rằng thị trường dầu mỏ sẽ vẫn còn lo lắng trong thời gian tới và có khả năng bùng phát nhanh chóng nếu xung đột lan rộng khắp Trung Đông.