Một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nhiều khả năng, Cuba sẽ bị đưa vào danh sách đen bởi vẫn không ngừng hậu thuẫn Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và cho phép các thủ lĩnh nhóm nổi dậy Quân Giải phóng Quốc gia Colombia (ELN) trú ẩn. Quan chức đề nghị giấu nên này nói rằng không loại trừ khả năng quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào cuối năm nay.
Ngày 13/5, Chính quyền Trump cho biết đã đưa đảo quốc cộng sản vào danh sách riêng gồm các quốc gia không hoàn toàn hợp tác với Mỹ trong các nỗ lực chống “chủ nghĩa khủng bố”. Tuyên bố này được Aljazeera xem như “bước khởi động” cho quyết định kể trên.
La Habana, vốn lâu nay vẫn phủ nhận mọi liên hệ với chủ nghĩa khủng bố, ngày 13/5 ra tuyên bố khẳng định các phát biểu của Bộ Ngoại giao Mỹ là “vô căn cứ”. Carlos Fernandez de Cossio, quan chức phụ trách quan hệ Mỹ-Cuba tại Bộ Ngoại giao Cuba, viết trên trang Twitter cá nhân rằng Cuba từ lâu vẫn luôn là nạn nhân của “những hành vi khủng bố của chính phủ Mỹ hoặc những kẻ tòng phạm”.
Động thái của Mỹ nhiều khả năng sẽ gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ vốn không tốt đẹp giữa Washington và La Habana. |
Theo aljazeera.com, việc Mỹ đưa Cuba trở lại danh sách trên sẽ là bước lùi xa hơn khỏi những thành quả cải thiện quan hệ song phương dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Quyết định chính thức đưa Cuba ra khỏi danh sách “khủng bố” hồi năm 2015 của vị tổng thống Mỹ thứ 44 này từng là bước tiến quan trọng hướng đến việc khôi phục quan hệ ngoại giao trong cùng năm đó.
Trên thực tế, lập trường cứng rắn đối với Cuba và Venezuela của Tổng thống Trump có được sự hoan nghênh của cộng đồng người Mỹ gốc Cuba tại phía Nam bang Florida, khối cử tri đặc biệt quan trọng tại một trong những bang dao động và then chốt với chiến dịch tái tranh cử của nhà lãnh đạo Mỹ.
Aljazeera đánh giá mọi quyết định đưa Cuba trở lại danh sách đen cơ bản xuất phát từ những hỗ trợ mà nhà nước này dành cho Nicolas Maduro, người mà phương Tây xem việc tái đắc cử năm 2018 là một sự sỉ nhục. Mỹ và hàng loạt các quốc gia khác đã công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela từ năm 2019.
Tuy nhiên Maduro, người gọi ông Guaido là con rối của Mỹ, vẫn tại vị với sự hậu thuẫn của giới tướng lĩnh cũng như các quốc gia như Nga, Iran và Cuba. Một số quan chức Mỹ cho biết điều này ngày càng khiến Tổng thống Trump không hài lòng.
Ngoài quyết định liên quan đến Cuba, chính phủ Mỹ còn đang cân nhắc việc liệt một số cơ quan an ninh của Venezuela là tổ chức “khủng bố” do các hành vi liên quan đến buôn lậu ma túy. Trong số này có thể có các cơ quan tình báo, phản gián quân đội, cảnh sát và cả những nhóm bán dân sự thân Maduro.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh thái độ của Cuba về ELN “cho thấy họ không hề hợp tác với nỗ lực của Mỹ nhằm ủng hộ Columbia đảm bảo một nền hòa bình, an ninh và cơ hội bền vững cho người dân”.
Theo Reuters, ngoài việc Cuba từ chối dẫn độ các thủ lĩnh của ELN, yếu tố tác động khác đến quyết định của Washington về Cuba rất có thể là việc nước này dang tay đối với một số cá nhân người Mỹ trốn tránh pháp luật, những người đã sống tại đây từ nhiều thập kỷ.
Việc đưa Cuba trở lại bản danh sách kể trên là động thái có tác động lớn về mặt biểu tượng đối với La Habana, vốn đã gặp không ít trở ngại sau hàng chục năm bị Mỹ cấm vận. Không rõ liệu quyết định đưa Cuba vào cùng nhóm với các quốc gia như Iran, Triều Tiên, Syria và Sudan sẽ có những tác động gì trên thực tế.
Giới chuyên gia dự đoán đi cùng quyết định của Mỹ sẽ là lệnh cấm các khoản viện trợ kinh tế, xuất khẩu vũ khí Mỹ, kiểm soát các loại hàng hóa phục vụ cả 2 mục đích dân và quân sự, cùng yêu sách đòi hỏi các thể chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế không cho chế độ Cuba vay tiền.
Tuy nhiên, trên thực tế những hạn chế tương tự vẫn đang có hiệu lực, và thậm chí là còn trở nên ngặt nghèo hơn dưới thời Trump. Những lệnh cấm vận kinh tế nhiều thập kỷ qua mà Mỹ áp đặt với Cuba trên thực tế vẫn chưa được gỡ bỏ, và chỉ có Quốc hội Mỹ mới có khả năng này.
(Nguồn: TTXVN/Reuters/Aljazeera)