Vào năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 11/10 hằng năm làm Ngày Quốc tế trẻ em gái. Mục đích của ngày này là nâng cao nhận thức về bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế...; thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái.
Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức với công tác dân số từ năm 2006. Năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh ở mức rất cao là 112,8 bé trai/100 bé gái. Trong giai đoạn 2016 - 2022, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên (112 bé trai/100 bé gái, năm 2022).
Trẻ em dân tộc Mông ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh minh họa: Nguyễn Cường/TTXVN |
Bất bình đẳng giới là nguyên nhân căn bản làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới và các em gái vị thành niên chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Do vậy, cần tạo điều kiện để các em bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và bình đẳng. Khi các em được trao quyền tự quyết định cuộc sống của mình, các em có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, trở thành nhân tố tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và đất nước. Vì vậy, bảo vệ quyền của các em gái hôm nay là bảo đảm một tương lai công bằng hơn.
Thiết thực hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa đề nghị các cấp, ngành chú trọng tuyên truyền về nội dung phát huy vai trò, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức và hành động trong vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh; tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp, tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong quan niệm của nhiều người; tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi…
Sở Y tế các địa phương tập trung tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông trọng điểm trên kênh truyền thông đại chúng các cấp và kênh truyền thông trực tiếp tại cơ sở về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới; triển khai các loại hình cung cấp thông tin, mô hình tư vấn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới… ưu tiên vùng sâu, vùng cao, biển, đảo và ven biển; đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng Internet, mạng xã hội của địa phương; lồng ghép với các hoạt động truyền thông khác. Đồng thời, tổ chức khảo sát, kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, luật pháp, chính sách, tài liệu hiện hành của Đảng và Nhà nước về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới ở các cấp…