Trong lúc dịch bệnh khiến không ít người hoang mang thì người ta càng cảm thấy lo lắng hơn khi có vô vàn các tin tức sai lệch được đăng tải trên mạng xã hội. Tính cho đến thời điểm hiện tại đã có 170 đối tượng bị xử lý khi đưa các thông tin không đúng sự thật về virus corona như: ăn trứng gà luộc chữa được bệnh do virus corona gây ra, phun thuốc ở Hà Nội vào đêm 31/1…
Các trường hợp này đã bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của Chính phủ. Có thể thấy, hiện các ban ngành đã có sự chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thời gian gần đây để đưa ra các biện pháp hiệu quả nhất vừa loại bỏ thông tin sai làm hoang mang dư luận vừa rà soát, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, điều trị, dập dịch.
Một đối tượng tung tin thất thiệt về dịch bệnh nCoV bị xử phạt. |
Theo đánh giá hiện tại, Việt Nam có đủ năng lực ngăn chặn dịch, tuy nhiên những thông tin tốt này lại không đến được với người dân. Thay vào đó là các "tin vịt" lan truyền làm ảnh hưởng tâm lý chung của mọi người. Đó là lý do vai trò của việc tuyên truyền các thông tin chính thống từ báo đài, các cơ quan ngôn luận chính thống, có chuyên môn lại vô cùng quan trọng.
Theo các chuyên gia y tế, virus corona nguy hiểm là do sự tác động của 3 yếu tố: tốc độ lây truyền, tỷ lệ tử vong, xác định bệnh có thể truyền đi mà không kèm triệu chứng hay không. Tốc độ lan truyền nhanh là điều được quan tâm nhiều nhất.
So với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS-CoV, thì viêm phổi cấp do virus mới này có tốc độ lan nhanh nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn. Cụ thể, với SARS từ tháng 11/2002 – 07/ 2003 có 8.096 người mắc bệnh và tử vong 774 người (tỷ lệ tử vong 9.4%), không có thêm người mắc bệnh từ 2004. Nhưng với virus corona mới, chỉ trong chưa đầy 2 tháng (tính từ ngày 8/12/2019 đến ngày 09/2/2020) đã có 37,612 người mắc bệnh, 815 người tử vong, 2,990 người phục hồi. Trong khi con số này tại Việt Nam mới chỉ có 14 ca mắc bệnh, 3 người đã phục hồi, 9 người còn lại sức khỏe đang dần ổn định và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Khẩu trang y tế không phải là yếu tố quyết định lây nhiễm mà chỉ là dụng cụ hỗ trợ. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương), khẩu trang có tác dụng giảm phát tán virus ở người đã nhiễm bệnh, với người khỏe thì không hề có tác dụng ngăn ngừa. Vì vậy nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn bệnh, những người bị nghi nhiễm. Trung bình một ngày phải thay từ 2 - 3 chiếc sẽ vô cùng lãng phí. Khi tháo khẩu trang không nên đeo lại vì có thể trong đó có chứa các virus từ chất tiết dịch khi hắt hơi, thở.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo vệ sinh bằng cách thường xuyên rửa tay với nước rửa tay, xà phòng diệt khuẩn, lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa.
Điều nguy hiểm nhất là chưa có thuốc đặc trị virus tuy nhiên, trong thời gian gần đây khi Việt Nam đã có nghiên cứu, phân lập được loại virus này giúp xác định, độc dược của visus, việc này sẽ góp phần không nhỏ vào việc sản xuất vaccine phòng ngừa dịch bệnh. Đây cũng là bước tiến quan trọng để xét nghiệm nhanh và kịp thời cách ly nguồn lây nhiễm sang người khác. WHO đánh giá rất cao nỗ lực này của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dinh nhấn mạnh: “Chúng ta không cần lo ngại hay hoang mang quá về bệnh dịch. Các tin đồn liên quan đến bệnh chưa được kiểm chứng đều không có ý nghĩa gì”.