• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Muốn thay đổi cuộc sống của phụ nữ dân tộc thiểu số cần quan tâm tới trẻ em gái

TS. Bùi Thị Hòa-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng: Để thay đổi cuộc sống của...

Chiều 19/12, tại Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: Công bố kết quả khảo sát thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu ban đầu Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em”.

Cuộc khảo sát là một trong những hoạt động quan trọng mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giao cho Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện theo kế hoạch số 43/KH - ĐCT ngày 3/6/2022 về triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021 – 2025.

Trong tháng 10/2022, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện khảo sát thực địa, thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu ban đầu tại 8 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bình Phước và Sóc Trăng về thực trạng bình đẳng giới và một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn.

PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Khách thể khảo sát bao gồm: phụ nữ, nam giới thuộc các nhóm dân tộc khác nhau, độ tuổi từ 18 - 55 tuổi, trẻ em, già làng, trưởng bản/ thôn/ấp, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng, công chức, viên chức địa phương, Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Quy mô phỏng vấn bằng bảng hỏi: 2000 phiếu; phỏng vấn sâu: 88 trường hợp; thảo luận nhóm: 16 cuộc.

Kết quả của khảo sát là căn cứ đề xuất, điều chỉnh các hoạt động của Dự án phù hợp với thực tế, đồng thời là tham chiếu để đánh giá hiệu quả đầu ra của Dự án 8.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đánh giá: Cuộc khảo sát đã được tiến hành một cách bài bản, công phu từ khâu nghiên cứu các tài liệu liên quan, xây dựng kế hoạch khảo sát, xây dựng khung logic, thiết kế bộ công cụ đến thu thập biểu mẫu thống kê cấp tỉnh của toàn bộ 51 tỉnh thuộc Dự án.  Việc công bố kết quả khảo sát, chia sẻ, trao đổi, thảo luận và tham vấn ý kiến của các chuyên gia sẽ giúp thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và các miền núi khó khăn một cách tốt hơn.

Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả cuộc khảo sát và nêu một số kiến nghị, đề xuất
Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả cuộc khảo sát và nêu một số kiến nghị, đề xuất

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu đã công bố các kết quả liên quan đến 4 nội dung:

Nội dung 1: Hoạt động tuyên truyền góp phần xoá bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hoá có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.

Nội dung 2: Nhận thức, thực trạng tham gia các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ & trẻ em

Nội dung 3: Nhận thức và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển KT-XH của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo

Nội dung 4: Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Bùi Thị Hòa
Bùi Thị Hòa

TS. Bùi Thị Hòa - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đánh giá cao việc Học viện Phụ nữ Việt Nam đã triển khai khảo sát để cập nhật dữ liệu ban đầu cho Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em". Với mong muốn dự án đi đến tận cùng và giải quyết được những mục tiêu dự án đề ra, TS. Bùi Thị Hòa đã đưa ra một số khuyến nghị:

Thứ nhất, Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ngoài những vấn đề về kế hoạch hóa gia đình, phòng chống xâm hại, phòng chống bạo lực... thì còn quan tâm đến những vấn đề gì? Nghiên cứu nên mở ra để hiểu được mong muốn, suy nghĩ của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số để có tiếp cận vấn đề tốt hơn.

Thứ hai, về hoạt động truyền thông, TS. Bùi Thị Hòa nhấn mạnh “để thay đổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thay đổi cuộc sống của phụ nữ thì chắc chắn chúng ta phải tập trung đến đối tượng có thể tạo ra sự thay đổi ấy chính là trẻ em gái. Tôi nghĩ rằng để có một người phụ nữ dân tộc thiểu số vững vàng, bản lĩnh, tự tin, am hiểu thì nên quan tâm nhiều hơn đến truyền thông cho đối tượng trẻ em - tương lai của chúng ta – tương lai của phụ nữ”.

Thứ ba, về mô hình phát triển kinh tế, thúc đẩy bình đẳng giới và địa chỉ tin cậy cộng đồng, TS. Bùi Thị Hòa trao đổi 3 vấn đề:

-  Qua kết quả nghiên cứu của nhóm thì tỉ lệ tín dụng đen tại các tỉnh không đều nhau, nhưng ở Sóc Trăng tỉ lệ này rất cao 39,3%. Nhìn vào con số trên thì đây là một vấn đề mà Hội Phụ nữ Sóc Trăng cần quan tâm hơn cả.

- Ngân hàng chính sách là kênh dẫn vốn mà phụ nữ vùng dân tộc thiểu số biết đến nhiều nhất. Điều này cho thấy vị trí, sức mạnh của các tổ ủy thác phụ nữ tại những địa bàn trên. TS. Bùi Thị Hòa cho rằng nên sử dụng tổ ủy thác của phụ nữ để đẩy những nội dung tuyên truyền của Hội thông qua tổ nhóm này hơn là việc thiết lập những nhóm mới.

- 1000 địa chỉ tin cậy của chúng ta gần như người dân không biết và gần như không phát huy. Phải chăng địa chỉ tin cậy tại cộng đồng chỉ nằm ở luật? “Tại sao phụ nữ không tìm đến đại chỉ này, thậm chí người ta không biết rằng có sự tồn tại địa chỉ tin cậy này tại cộng đồng? Như vậy thì quá là hình thức. Cần nhìn thẳng vào vấn đế, Ban Tham mưu của Hội Phụ nữ cần suy nghĩ để thay đổi cách tiếp cận, cách hoạt động của địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để thực sự phát huy được vai trò." - TS. Bùi Thị Hòa khuyến nghị.

Thứ tư, cần tìm cách nghiên cứu để thu hút nhiều chị em phụ nữ tham gia vào các hoạt động ở địa phương và tham gia giám sát, phản biện xã hội.  Việc phụ nữ tham gia giám sát, phản biện xã hội là việc rất khó, đòi hỏi nhận thức, đòi hỏi sự tham gia nhiều hoạt động hơn để phụ nữ dám đứng lên, dám nói lên chính kiến của mình về việc triển khai chính sách và các vấn đề xã hội.

Ngoài ra, TS. Bùi Thị Hòa đề nghị nhóm nghiên cứu cũng nên phân tích thêm các dữ liệu liên quan đến nhóm dân tộc thiểu số rất ít người.

Hội thảo cũng nhận được nhiều chia sẻ, trao đổi, thảo luận và tham vấn ý kiến của các chuyên gia về các vấn đề liên quan đến hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn.

TS. Bạch Tân Sinh – Giám đốc mạng lưới Summernet, Cố vấn Viện chính sách và Quản lý, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Nhóm nghiên cứu cần làm nổi bật nội dung liên quan đến từ khóa “nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ”, “Khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo”, “Giáo dục”, “trẻ em gái” để tìm ra mô hình góp phần thúc đẩy quyền năng kinh tế cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

TS. Đoàn Kim Thắng - Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng cần làm rõ rào cản nào khiến đồng bào vùng dân tộc thiểu khó tiếp cận thông tin? Kênh truyền thông nào là kênh truyền thông tiếp cận được với đồng bào dân tộc tốt hơn? Tìm hiểu nguyên nhân, lý giải vì sao người dân tham gia những kênh huy động vốn nào nhiều?

Bà Trần Thị Hương – Đại diện tổ chức Asian – Act về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Bà Trần Thị Hương – Đại diện tổ chức Asian – Act về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Bà Trần Thị Hương – Đại diện tổ chức Asian – Act về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam chia sẻ góc nhìn về nội dung liên quan đến tình trạng mua bán người. Bà Hương cho rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình trạng mua bán người có sự dịch chuyển từ hoạt động mua bán người quốc tế sang hoạt động mua bán người nội địa. Ở các tỉnh và các địa phương nhận định, việc con em mình ra làm ở các thành phố chỉ là di cư chứ không phải là mua bán người, và chính các em cũng không nhận diện được mình là nạn nhân. Ví dụ như làm việc ở trong những tụ điểm massage, tụ điểm karaoke... Thậm chí việc xác định nạn nhân cũng có nhiều vướng mắc, việc hỗ trợ nạn nhân cũng còn rất nhiều bất cập. Do đó, trong thời gian tới cần xây dựng những can thiệp, tập huấn phù hợp, tránh trường hợp đổ lỗi cho nạn nhân. Ngoài ra, hình thức mua bán người quốc tế đang chững lại do Trung Quốc – thị trường mua bán người lớn đang đóng cửa, trong giai đoạn tới, khi Trung Quốc mở cửa thì có thể sẽ tác động lớn đến số liệu khảo sát. Do đó trong những giai đoạn sau, nhóm nghiên cứu cần phân tích thêm bối cảnh, xã hội trong nước và quốc tế...

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Vũ Thị Thu Hà – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo cho rằng “Làm nghiên cứu về dân tộc thiểu số không thể bỏ qua vấn đề tôn giáo. Ví dụ: Dân tộc Mông, Ê đê thì họ theo Tin lành, dân tộc Chăm theo Bà La Môn, theo Bà – ni, Islam, dân tộc Khơ – me theo Phật giáo Nam tông Khơ – me...”. Do đó, khi làm truyền thông tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tìm hiểu về tôn giáo, về văn hóa ứng xử của từng vùng để tìm cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả. Nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện tiếp theo nên chú ý đến vấn đề đó.

Hội thảo cũng nhận được nhiều chia sẻ, trao đổi, thảo luận và tham vấn ý kiến của các chuyên gia khác về các vấn đề liên quan đến hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn.

Sau buổi Hội thảo, nhóm nghiên cứu vẫn sẽ tiếp tục làm việc, tiếp thu các ý kiến góp ý và hoàn thiện báo cáo khảo sát.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Diệu Thuần

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật