Ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với TP.HCM và các tỉnh lân cận để bàn về phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.
TP.HCM đề nghị hỗ trợ khẩn
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, từ khi áp dụng Chỉ thị 10, TP đã giao toàn quyền cho Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, quận, huyện quyết định các vấn đề tại khu vực, nâng cao hệ thống chính trị tại cơ sở, phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng.
Chủ tịch TP.HCM đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho TP.HCM 2 triệu test nhanh kháng nguyên và máy xét nghiệm PCR cùng đội ngũ chuyên viên kỹ thuật vận hành máy.
Theo ông Phong, việc trả kết quả xét nghiệm chậm trong thời gian qua có xảy ra ở một số trường hợp cá biệt. Nhằm đẩy mạnh năng lực xét nghiệm, TP triển khai thành lập Trung tâm điều phối và xét nghiệm COVID-19, chỉ đạo thành lập các tổ xét nghiệm tại các quận huyện và TP Thủ Đức, đàm phán mua 1,4 triệu test nhanh kháng nguyên, tập trung khắc phục hạn chế về tổ chức, năng lực và đội ngũ xét nghiệm.
Để đảm bảo duy trì sản xuất, TP tổ chức cho 43 doanh nghiệp tại khu chế xuất, khu công nghệ cao vừa sản xuất vừa cách ly tại chỗ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng thời, thành lập 100 tổ kiểm tra hướng dẫn an toàn phòng chống dịch tại các điểm trên, đẩy mạnh lấy mẫu test nhanh tại doanh nghiệp.
Cùng với đó, TP.HCM đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các khu cách ly, thực hiện cách ly linh hoạt, thí điểm cách ly F1 tại nhà theo công thức 14 - 14 (14 ngày cách ly tập trung, 14 ngày cách ly tại nhà) dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế.
TP.HCM có thể kiểm soát dịch trong 7 ngày
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về tổng thể Việt Nam vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Bộ Y tế dự báo, thời gian tới số ca mắc tại TP.HCM sẽ tiếp tục gia tăng, nếu làm tốt và quyết liệt các biện pháp, TP có thể kiểm soát dịch trong 7 ngày tới.
Ông Long cho rằng, có 2 nguyên nhân khách quan khiến số ca mắc ngày càng tăng tại TP.HCM. Thứ nhất là biến chủng virus Delta có tốc độ và khả năng lây lan mạnh. Hai là mật độ dân cư tại TP đông đúc, tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của dịch bệnh.
Về nguyên nhân chủ quan, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 của UBND TP, chưa phát huy hết sức mạnh của hệ thống chính trị. Đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở; việc thực hiện tổ COVID-19 cộng đồng, tổ an toàn COVID-19, phương châm 4 tại chỗ còn hạn chế.
Bên cạnh đó, TP còn gặp khó khăn trong thực hiện chiến lược xét nghiệm tầm soát diện rộng; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP gặp tình trạng quá tải; thời gian trả kết quả xét nghiệm chậm; việc điều phối xét nghiệm giữa các đơn vị chưa tốt; công tác cách ly chưa thật sự nghiêm ngặt và linh hoạt; phương án chống dịch tại nhà máy, khu công nghiệp chưa thực sự đi vào thực hiện.
Từ việc phân tích những mặt còn hạn chế, Bộ Y tế đề nghị thời gian tới, TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 10, mở rộng một số khu vực, địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm phong toả, tăng cường truyền thông, kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết. Áp dụng linh hoạt chiến lược cách ly, áp tiết chế cách ly tập trung cho vùng lõi, vùng phong toả.