3 kế hoạch dự kiến
Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9/2021 - 31/10/2021), cá nhân, lao động có Thẻ xanh COVID có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Cá nhân, lao động có Thẻ vàng COVID, có xét nghiệm âm tính với COVD-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể.
Riêng tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có Thẻ xanh COVID hoặc Thẻ vàng COVID tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.
Trong giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10/2021 đến 15/1/2022), Thành phố sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có Thẻ xanh COVID gồm trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Đến giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022), TP.HCM lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có Thẻ xanh COVID.
Ngoài các lộ trình dự kiến, Thành phố cũng có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Sức mạnh của doanh nghiệp là sức mạnh của Thành phố
Tại Hội nghị tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn sau ngày 15/9 vừa được tổ chức, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, các phát biểu, chia sẻ của hiệp hội, doanh nghiệp đã giúp Thành phố cập nhật rõ hơn tình hình, những khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đang gặp phải.
“Sức mạnh của doanh nghiệp cũng là sức mạnh của TP.HCM. Cho nên, khi doanh nghiệp khó khăn, tổn thương, chắc chắn Thành phố cũng vậy”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, kịp thời vừa nhanh chóng khôi phục kinh tế là bài toán khó, đòi hỏi lãnh đạo, chính quyền TP phải tập trung nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp phù hợp.
Trong quá trình đó, Thành phố mong muốn có sự đồng hành, góp ý, khuyến nghị các giải pháp từ cộng đồng doanh nghiệp.
“Để có thể sớm nới lỏng giãn cách, phục hồi kinh tế, Thành phố sẽ tập trung quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch. Có phòng chống dịch hiệu quả mới có thể phục hồi kinh tế. Việc nới lỏng, mở cửa phục hồi kinh tế phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch. Việc phục hồi nền kinh tế chỉ có thể thực hiện sớm, mở rộng nhanh khi tình hình cải thiện tốt”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Khi đặt vấn đề phục hồi kinh tế, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, các vấn đề về lao động, thị trường, đầu vào, đầu ra, thủ tục hành chính,… cần có những chính sách từ cấp Quốc gia, Thành phố.
Theo đó, TP.HCM sẽ tổng hợp các kiến nghị về chính sách để trình Chính phủ, Quốc hội. Riêng những chính sách thuộc thẩm quyền TP.HCM, dù nhỏ vẫn sẽ sớm xem xét để ban hành phù hợp.
Từ nay đến 15/9, TP.HCM sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để có sự điều chỉnh trong các phương án, giải pháp theo tình hình thực tế.
“Vì không còn nhiều thời gian nên có thể sẽ có ‘độ trễ’ nhất định trong ban hành chính sách, Thành phố mong cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ và có sự chuẩn bị phù hợp với tiến trình”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.
Liên quan đến vấn đề sẽ mở trở lại ngành nào trước, khu vực nào trước, người đứng đầu Thành phố cho biết, qua các ý kiến cho thấy có sự đan xen với nhau.
Thành phố không tự đi một mình mà cần có sự phối hợp với các địa phương khác để giải quyết vấn đề một cách đồng bộ. Do đó, Thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến để có cơ sở đưa ra phương án đồng bộ nhất.
Trong bối cảnh số ca nhiễm chưa có dấu hiệu giảm và tình trạng phong tỏa kéo dài, đang đẩy rất nhiều doanh nghiệp và người dân tới giới hạn chịu đựng.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, doanh nghiệp gần như đã cạn tiền, nếu tiếp tục không được hoạt động lại thì nguy cơ rất khó phục hồi và làm lung lay vị thế mà cả nền kinh tế đã dày công xây dựng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do đó, thời điểm Thành phố xác định mở cửa từ sau ngày 15/9 là hoàn toàn phù hợp và có ý nghĩa quyết định đến sự hồi phục của cộng đồng doanh nghiệp.
"Cộng đồng doanh nghiệp hội viên FFA đánh giá cao và đồng tình với các chủ trương trong Dự thảo kế hoạch phục hồi kinh tế lần này. Điều đặc biệt đáng ghi nhận là trong quá trình xây dựng kế hoạch, Thành phố đã rất cầu thị lắng nghe, tham khảo và đưa các ý kiến góp ý của các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi vào các giải pháp trọng điểm trong kế hoạch phục hồi. Phải nói rằng, chưa bao giờ tôi đọc một bản kế hoạch chỉn chu và thực tế đến như vậy", bà Lý Kim Chi nói và thể hiện kỳ vọng vào chiến lược phục hồi nền kinh tế, ổn định xã hội của TP.HCM.