• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ðảm bảo 20% dân số Việt Nam được tiêm vắc xin trong thời gian tới

Đợt tiêm vắc-xin lần này khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ...

Ngày 8/3 có 100 nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM được tiêm vắc- xin. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM sẽ tiêm vắc-xin cho tổng cộng 900 nhân viên y tế.

“Với hiệu quả của vắc-xin khi tiêm đủ liều, chúng tôi, những chiến binh trên tuyến đầu chống dịch, tuyến cuối điều trị COVID-19, được trang bị thêm một hệ thống ‘áo giáp’ bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus để chúng tôi đủ sức khỏe để chăm sóc bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, nói. 

Ðảm bảo 20% dân số Việt Nam được tiêm vắc xin trong thời gian tới

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị UBND TPHCM phối hợp Bộ Y tế chỉ đạo ngành y tế địa phương và đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, cập nhật thông tin về vắc-xin COVID-19. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho chiến dịch tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả; chủ động theo dõi, xử trí, báo cáo kịp thời các trường hợp phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng. Ông cũng đề nghị người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 8/3 tại Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương), những mũi tiêm vắc-xin đầu tiên cũng được ưu tiên cho nữ cán bộ, nhân viên tham gia chống dịch.

Cùng ngày, 377 người tại 4 cơ sở y tế ở Hà Nội, TPHCM và Hải Dương được tiêm vắc-xin AstraZeneca, chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm. Hôm nay, việc tiêm chủng tiếp tục tại 4 cơ sở này và thêm Sở Y tế Hà Nội, Gia Lai triển khai.

Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (cơ sở Đông Anh) có 66 người; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM có 104 người; tại hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành có 207 người. Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, hoạt động tiêm chủng tại tất cả 4 điểm tiêm chủng trong ngày đầu tiên đều diễn ra an toàn.

Hôm nay (9/3), các điểm tiêm chủng trên tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 theo kế hoạch, đồng thời mở rộng tiêm tại Hà Nội và tỉnh Gia Lai. Các tỉnh, thành phố còn lại đang lập kế hoạch để tiêm chủng trong thời gian tới.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cho biết, UNICEF đã hỗ trợ các quốc gia đặt hàng vắc-xin, thương thuyết để mua với mức giá tốt. Thông qua chương trình COVAX Facility, tới đây có thể đảm bảo 20% dân số được tiêm vắc-xin AstraZeneca. 

Bà cũng cho biết khi Việt Nam đáp ứng đầy đủ khuôn khổ văn bản pháp lý theo quy định, UNICEF sẽ đưa các lô vắc-xin đầu tiên hỗ trợ cho Việt Nam qua chương trình COVAX. Theo đó, trong tháng 3 sẽ có thêm 1,2 triệu liều và tháng 4 có 2,8 triệu liều.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong 117.600 liều vắc-xin đầu tiên về Việt Nam cuối tháng 2, Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ về tới 13 tỉnh, thành phố (có bệnh nhân COVID-19) và các cơ sở điều trị COVID-19. Kế hoạch tiêm tại các tỉnh, thành phố do chính UBND các địa phương này quyết định, dưới sự chỉ đạo chuyên môn của cơ quan y tế. Việt Nam đang nghiên cứu, phát triển 3 loại vắc-xin phòng COVID-19. Dự kiến nếu kết quả thử nghiệm thành công, Việt Nam sẽ tự sản xuất được vắc-xin vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, muốn bảo vệ xã hội khỏi nguy cơ mắc COVID-19, đồng thời với tiêm chủng, cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Đợt tiêm vắc-xin lần này khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc.

Chiều 8/3, Hà Nội họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, báo cáo, Hà Nội có khoảng 10 triệu người, trong khi đợt đầu tiên chỉ được Bộ Y tế phân bổ khoảng 8.000 liều vắc-xin ngừa COVID-19, nên sẽ tiêm cho các đối tượng được ưu tiên, có danh sách cụ thể do thành phố quyết định. Các đợt vắc-xin sau này cũng phải theo phân bổ của Bộ Y tế. 

Một số loại vắc-xin khác vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, chưa có kết quả cụ thể. Cùng với vắc-xin, các biện pháp phòng chống dịch như 5K, truy vết, chủ động phát hiện… vẫn rất quan trọng.

Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, ông Trương Quang Việt, cho biết, dự kiến, sáng 9/3, Hà Nội tiêm những mũi vắc-xin đầu tiên cho bác sĩ, nhân viên y tế có nguy cơ cao tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ông Việt thông tin, vắc-xin được sử dụng tiêm đợt đầu ở Hà Nội là sản phẩm của Anh, thời hạn sử dụng 6 tháng, tiêm 2 liều. 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà nêu rõ các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin đợt đầu: ưu tiên y, bác sĩ, trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân, hoặc người bệnh có triệu chứng nghi ngờ, ho, khó thở tại các bệnh viện. 

“Ngày 9/3, Hà Nội sẽ tiêm cho các bác sĩ ở Bệnh viện Thanh Nhàn, là những người trực tiếp chữa bệnh, xét nghiệm tại bệnh viện. Chúng tôi chọn y bác sĩ ở khoa truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, khoa lâm sàng, các nhân viên lấy mẫu xét nghiệm. Nhóm thứ hai là các nhân viên y tế dự phòng như CDC Hà Nội, Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; các trạm y tế xã, phường, thị trấn, là người ở tuyến đầu chống dịch. Nhóm thứ 3 là nhân viên vận chuyển cấp cứu 115, chuyên chở bệnh nhân COVID-19, những người có triệu chứng nghi ngờ. Nhóm nữa là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 từ cấp thành phố, quận, huyện đến xã, phường, thị trấn”, bà nói. 

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật