Tại sao có nhiều giá khác nhau?
Cụ thể nếu như bộ test COVID-19 tiêu chuẩn WHO thì giá sẽ cao so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Hay test có xuất xứ từ những nước Âu, Mỹ thường cũng sẽ đắt hơn các nước khác. Ngoài ra, nếu mua số lượng nhiều test giá sẽ rẻ hơn.
Giai đoạn cao điểm dịch gia tăng, nhà cung ứng ít thì đương nhiên giá cao hơn so với thời điểm dịch bệnh giảm, trong khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, nhập khẩu và đơn vị trong nước sản xuất được test xét nghiệm và bán phi lợi nhuận.
Hiện Bộ Y tế chưa mua sắm test nhanh COVID-19. Thời gian qua, Bộ thực hiện phương châm 4 tại chỗ nên các đơn vị, địa phương thực hiện việc mua sắm đấu thầu theo quy định. Dù vậy, các đơn vị chủ yếu sử dụng test nhanh được tài trợ. Đơn cử như TP.HCM vừa rồi được các đơn vị tài trợ tới 10 triệu test nhanh. Bộ Y tế cũng vậy, nhận được tài trợ hơn 10 triệu test để phân bổ cho các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, đơn vị sản xuất, nhập khẩu sinh phẩm/trang thiết bị y tế xét nghiệm COVID-19 chịu trách nhiệm về công bố giá. Bộ cũng đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu sinh phẩm/trang thiết bị y tế xét nghiệm COVID-19 chịu trách nhiệm về công bố giá và rà soát công bố giá theo quy định. Ngoài ra, các đơn vị này cũng cần xem xét giảm giá bán sinh phẩm/trang thiết bị y tế xét nghiệm COVID-19 để hỗ trợ cho chống dịch, theo VTC.
Bộ Y tế nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện hoặc đầu cơ, tích trữ. Các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện việc cập nhật, rà soát, công khai minh bạch về giá trang thiết bị y tế trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế và hoàn toàn chịu trách nhiệm về giá công bố, tính chính xác và đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa theo quy định.
Trường hợp bất khả kháng, nếu có biến động về giá do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chủ động, cập nhật và chịu trách nhiệm về giá, ghi chú rõ lý do việc điều chỉnh giá để các cơ sở y tế, bệnh viện, địa phương có cơ sở tham khảo, tổ chức triển khai việc mua sắm theo quy định.
Sẽ bình ổn giá test nhanh
Về giá bộ test nhanh kháng nguyên, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi.
Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Với xét nghiệm trong các cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế yêu cầu việc tính giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên căn cứ vào thực thanh thực chi, cụ thể giá được tính toán dựa vào giá kit test, chi phí vật tư tiêu hao liên quan. Việc thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sắm được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.
Đồng thời, Bộ cũng phát đi văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu để giảm chi phí xét nghiệm, đặc biệt là cho doanh nghiệp. Cụ thể, trước ngày 1/7/2021, căn cứ thông tư 13, 14, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ đưa ra hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm, test Real-time PCR là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm.
Từ ngày 1/7/2021, với test nhanh, do nhiều công ty nhập test và trong nước sản xuất được test xét nghiệm nên dải giá test rất khác nhau, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện thực thanh thực chi thanh toán theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.
Khi có giải pháp thực hiện gộp mẫu để tiết kiệm chi phí và đáp ứng yêu cầu khẩn trương về thời gian và số mẫu, Bộ Y tế ra văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu. Cụ thể, mức giá của việc lấy và bảo quản bệnh phẩm là 100.000 đồng/mẫu. Mức giá việc thực hiện xét nghiệm bằng 634.000 đồng chia cho số mẫu gộp. (Ví dụ nếu gộp 5 mẫu vào 1 xét nghiệm thì chia 5, gộp 10 mẫu thì chia 10...) để giảm tối đa giá của xét nghiệm.
Hiện Bộ Y tế cấp phép cho 97 test xét nghiệm COVID-19. Trong đó, 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).