Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và hút thuốc thụ động, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong phòng chống thuốc, Trung tâm Sáng Kiến Sức Khỏe và Dân Số (CCIHP) phối hợp với The Union sẽ tổ chức sự kiện “Ngôi Nhà Mơ Ước Không Khói Thuốc” vào sáng nay, thứ bảy 30/05/2020 tại số 19 Đinh Lễ, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sự kiện cũng đồng thời phát động cuộc thi Sáng tạo online “Ngôi Nhà Mơ Ước Không Khói Thuốc” nhằm hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Không thuốc lá và Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2020.
Đây là hoạt động thuộc dự án “Bảo vệ sức khỏe trẻ em thông qua tích hợp các biện pháp MPOWER và quyền trẻ em trong kiểm soát thuốc lá” (tên ngắn gọn tiếng Anh: Anti Smoke for Kids Health – asKH) do quỹ Bloomberg tài trợ.
Nôi dung cuộc thi "Ngôi Nhà Mơ Ước Không Khói Thuốc” |
Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, có tới 56% người hút thuốc ở Việt Nam bắt đầu hút thuốc trước 20 tuổi. Số người bị ảnh hưởng và tử vong vì hút thuốc lá thụ động cũng đang ở mức đáng báo động.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt nguy cơ của hút thuốc thụ động. Khói thuốc có ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m do vậy ngay cả khi người hút thuốc ra khỏi nhà, hút thuốc ở sân nhà, ban công cũng vẫn có thể gây ảnh hưởng tới trẻ. Sau khi hút, khói thuốc vương trên da, tóc, quần áo của người hút thuốc, trẻ tiếp xúc vẫn có thể bị ảnh hưởng. Hút thuốc thụ động gây nhiều tác động lên sức khỏe của trẻ bao gồm các bệnh lí về hô hấp, thần kinh và phát triển
Trẻ em là đối tượng đặc biệt nguy cơ của hút thuốc thụ động. |
Hiện Việt Nam có hơn 15 triệu người hút thuốc lá, mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người và con số này có thể tăng lên 70.000 người vào những năm tới. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cứ 10 người tử vong do hút thuốc lá thì có 1 người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Như vậy, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 4.000 trường hợp tử vong do hút thuốc lá thụ động. Việt Nam có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.