Chiều 10/9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt Nguyễn Văn Hưng, chủ kênh YouTube Hưng Vlog 7,5 triệu đồng vì vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Tuy nhiên mức phạt này không quá cao với Hưng Vlog nên chỉ sau 1 tháng, vlogger này tiếp tục vi phạm quy định khi đăng tải một đoạn video khác với nội dung hướng dẫn trẻ ăn trộm tiền đăng tải trên kênh Hưng Troll. Lần này, Hưng Vlog bị xử phạt 10 triệu đồng.
Hưng Vlog lại tiếp tục đăng video nhảm nhí lên một kênh YouTube khác. |
Nếu theo dõi video của Hưng Vlog, chắc chắn nhiều người đã biết trên phần giới thiệu của kênh Youtube Hưng Vlog còn có hàng loạt kênh con khác như Hưng Troll, Bà Tân Vlog, Ngọc Lan Vlog, Hưng Vlog... Điều này sẽ gây ra không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng khi kiểm soát nội dung. Đây không phải trường hợp duy nhất bởi có khá nhiều các kênh Youtube cũng chuyên đăng tải các nội dung gây ảnh hưởng đến trẻ em.
Khác với Facebook, các nhà sáng tạo nội dung YouTube sống được là nhờ nguồn tiền quảng cáo từ các nhãn hàng. Nguồn tiền này chảy từ YouTube về các Multi Channel Network (mạng đa kênh), sau đó đến tay các YouTuber. Đứng sau các nội dung này là YouTuber nhưng đứng sau YouTuber lại là các mạng đa kênh.
Trên thực tế, việc xử phạt Youtuber chưa thể triệt để bởi đằng sau đó còn có cả đội ngũ quản lý, kiểm duyệt thông tin của mạng đa kênh.
Một người có nhiều kinh nghiệm làm Youtube cho biết, chỉ có 3 bên biết những gì một kênh Youtube từng đăng tải là YouTube, chủ kênh và mạng lưới đa kênh. Nếu muốn truy lại những sai phạm trước đây của kênh này, phải làm việc với mạng đa kênh. Mạng đa kênh hay network YouTube là các tổ chức, công ty bên thứ ba làm cầu nối cho người sáng tạo nội dung (creator hay còn gọi là YouTuber) với YouTube. Nhiệm vụ chính là thay YouTube kiểm duyệt nội dung, hỗ trợ cho chủ kênh các vấn đề liên quan đến bản quyền, kiếm tiền và gia tăng lượt xem.
Tại Việt Nam, mô hình này từ lâu đã rất phổ biến với các cái tên như Điền Quân, MeTub, Pops, VieOn…Ngoài ra, các network lớn còn nhận quảng cáo từ nhãn hàng.
Cơ quan chức năng có thể tương tác trực tiếp với các mạng đa kênh như một cách kiểm duyệt nội dung đầu vào, nguồn tiền từ YouTube đổ về cho các YouTuber tại Việt Nam. Dù vậy, không phải network nào cũng làm việc hiệu quả. Một số không đảm bảo kiểm soát được nội dung của các kênh YouTube.
Vinh Thành, quản trị viên của nhóm cộng đồng sáng tạo nội dung có 260.000 thành viên cho biết: “Nếu nghiêm túc trong việc yêu cầu các MCN kiểm duyệt nội dung và bắt buộc các kênh YouTube phải tham gia MCN thì vấn đề nội dung nhảm nhí có thể được kiểm soát phần nào”.
Năm 2017, một kênh YouTube thuộc Yeah1 đã đăng tải những clip gán mác dành cho trẻ em nhưng truyền đạt nội dung với hình ảnh dung tục, nhảm nhí lợi dụng các hình ảnh mà trẻ em yêu thích như công chúa Elsa, Spiderman để thu hút người xem. Sau đó, chủ kênh này bị phạt tiền 30 triệu đồng theo quy định tại điểm D, khoản 3, điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Đơn vị mạng đa kênh là Yeah1 Network bị phạt hành chính 20 triệu đồng vì không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật.
Bên cạnh đó, một số mạng đa kênh trong quá trình tư vấn nội dung, thường đưa ra những "công thức", "xu hướng" câu view để các kênh trong network cùng khai thác.
Năm 2018 kênh YouTube của PHD đã sử dụng bột trắng để đóng giả ma túy troll người thân. Đến đầu năm 2019, xu hướng này là các kênh vlog ẩm thực dân dã.
Từ 19/7/2019, sau sự cố của network Yeah1, YouTube đã có hình thức ngăn chặn đó là người dùng (hay cơ quan quản lý) không còn công cụ để tìm hiểu thông tin kênh YouTube nào thuộc network nào. Đây là một động thái của Google giúp các network "ẩn thân" hơn và che giấu mối liên hệ giữa các network với các kênh video trên YouTube.