Mới đây nhất, theo Bộ Khoa học và Công nghệ đưa tin, hai nhà khoa học TS. Lê Quang Hòa và TS Nguyễn Lê Thu Hà thông báo đã nghiên cứu thành công bước đầu Kit thử nhanh virus Corona: sinh phẩm RT-LAMP.
TS. Lê Quang Hòa, thành viên của công trình nghiên cứu cho biết: sinh phẩm RT-LAMP là một kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt acid nucleic chuyên dùng để phát hiện RNA của các loại virus gây bệnh. “Phản ứng RT-PCR thông thường phải mất 4h (240 phút) cho cả quy trình. Nhưng với công trình nghiên cứu này sẽ cho ra kết quả chỉ sau 70 phút” – TS. Hòa chia sẻ.
Giá thành sản xuất (360.000d/ test) cũng rẻ hơn 50% so với RT-PCR (>1.000.000đ/test).
TS. Le Quang Hoà giới thiệu về kit thử nhanh virus corona. Ảnh: Vân Khánh |
Trước đây, để xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV, Việt Nam áp dụng phương pháp xét nghiệm giải trình tự gene mất 3-5 ngày, sau đó có mẫu thử của WHO hỗ trợ, kết hợp với phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử, thời gian xét nghiệm rút xuống dưới 9 giờ.
Ngay sau khi trình tự hệ gen của chủng nCoV-2019 được công bố trên ngân hàng GenBank vào ngày 13/01/2020, nhóm nghiên cứu đã chủ động tiến hành phát triển sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh chủng này.
Cụ thể, nhóm đã thiết kế mồi và tiến hành tổng hợp gen nhân tạo vùng gen đích mã hóa nucleocapsid phosphoprotein của chủng nCoV. Sau đó đến bước tối ưu hóa phản ứng, lúc này ngưỡng phát hiện của phản ứng RT-LAMP phát hiện RNA của nCoV là 5 phiên bản/phản ứng, tương đương với phương pháp nhạy nhất hiện nay dựa trên kỹ thuật real-time RT-PCR.
Đặc biệt, phản ứng RT-LAMP này không cho kết quả dương tính giả với các loại Corona virus khác như: SARS CoV, MERS-CoV, HKU4, HKU1, OC43 và 229E.
Ưu điểm của sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nCoV-2019 là có độ chính xác cao tương đương với các phương pháp tiêu chuẩn, đơn giản, không yêu cầu thiết bị phức tạp, có khả năng ứng dụng ngay tại y tế tuyến huyện hay trong các Bệnh viện dã chiến.
Hầu hết các phương pháp tiêu chuẩn dựa trên kỹ thuật real-time RT-PCR phát hiện nCoV hiện nay chỉ có thể ứng dụng tại các Bệnh viện tuyến Trung ương được trang bị hệ thống real-time PCR và có đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản.
Cần nhấn mạnh rằng các kết quả nói trên được thu nhận dựa trên các mẫu RNA được phiên mã in vitro, chưa phải kết quả cuối cùng. Do vậy, để đảm bảo độ chính xác, bước tiếp theo cần so sánh các đặc tính của bộ sinh phẩm với phương pháp tiêu chuẩn real-time RT-PCR (khuyến cáo bởi WHO) trên các mẫu RNA vi rút được thu nhận từ mẫu bệnh phẩm thực.
Sau đó cần tiến hành nội kiểm: cần có tối thiểu 12 mẫu RNA của chủng nCoV để nội kiểm và cần thử nghiệm liên phòng trước khi đăng ký sản phẩm và sản xuất hàng loạt. Sau khi nhận được mẫu, sau 3 ngày nhóm sẽ thu được kết quả.
Tiếp đến nhóm sẽ sản xuất sinh phẩm thử, yêu cầu công suất đạt tới 1000 test sau 7 ngày trong điều kiện phòng thí nghiệm khi có đầy đủ hoá chất.
Hi vọng, nghiên cứu này sớm được đưa vào thử nghiệm lâm sàng để có thể đưa ra sản xuất đại trà, rút ngắn thời gian test virus Corona trên diện rộng.