Đoàn kiểm tra Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Thanh tra và Quản lý Hành nghề Y của Sở Y tế TP.HCM, kiểm tra đột xuất 2 phòng khám tư nhân tại thành phố về công tác khám, chữa bệnh và thu phí dịch vụ chăm sóc F0 tại nhà.
Tại phòng khám Family Medical Practice (địa chỉ ở Diamond Plaza, 34 Lê Duẩn, quận 1), đoàn đã ghi nhận cơ sở này có cung cấp gói dịch vụ tư vấn hỗ trợ điều trị F0 tại nhà Home Care trong 10 ngày, giá 12.098.000 đồng/người.
Gói này quảng cáo bao gồm tư vấn từ xa với bác sĩ qua điện thoại hoặc zoom 1-2 lần/ngày, cho mượn các dụng cụ máy đo oxy, máy đo nhiệt độ, xét nghiệm rRT-PCR 2 lần vào ngày thứ 9 và thứ 10, một số thuốc điều trị hỗ trợ.
Khi đoàn yêu cầu cung cấp thông tin bảng giá, cơ cấu tính giá gói chăm sóc F0 cho cơ quan quản lý, phòng khám này chưa giải trình được.
Phòng khám Bernard (địa chỉ 201 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, quận 3) cũng cung cấp 2 gói tư vấn từ xa, với gói Gold trị giá 26 triệu đồng và gói Titanium giá 36 triệu đồng.
Phòng khám này quảng cáo bác sĩ sẽ gọi điện hàng ngày. Riêng nhân viên y tá, điều dưỡng ngày nào cũng sẽ liên lạc với bệnh nhân, để kiểm tra tình hình sức khoẻ, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, tư vấn tâm lí, phục hồi chức năng…
Nhân viên tư vấn cho biết gói dịch vụ này đã bao gồm một số loại thuốc cơ bản, nếu có phát sinh thêm thuốc mới, bác sĩ sẽ kê đơn và bệnh nhân trả thêm chi phí điều trị phát sinh.
Tuy nhiên với mức giá khá cao nhưng trong trường hợp bệnh nhân chuyển biến nặng, cần cấp cứu thì phòng khám chỉ có thể hỗ trợ người bệnh gọi xe cấp cứu, liên hệ tới hệ thống bệnh viện điều trị COVID-19 của nhà nước. Trong trường hợp bệnh nhân không có bình oxy, phòng khám này hỗ trợ cho mượn, hướng dẫn sử dụng máy thở.
Trong trường hợp bệnh nhân chuyển đến khu vực cách ly/bệnh viện, gói dịch vụ sẽ tự động hết hiệu lực. Gói dịch vụ chăm sóc tại nhà không hủy, không hoàn phí trong mọi trường hợp.
Với tình trạng y tế đang quá tải, các phòng khám này cũng không thể cam kết bao lâu xe cấp cứu đến, nhưng với gói khám này thì phải qua một quy trình sàng lọc, những bệnh nhân nào đủ điều kiện cách ly tại nhà mới có thể cung cấp gói khám.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Bộ Y tế hoan nghênh mạng lưới y tế tư nhân tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, nhưng phải tuân thủ quy định của ngành y tế và pháp luật. Thông tin và giá dịch vụ phải được cung cấp cho người dân công khai, minh bạch, rõ ràng.
Trước diễn biến dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước, Bộ Y tế đã có văn bản thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc không thu phí với các dịch vụ trong hạng mục phòng, chống dịch.
Ngày 18-8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã làm việc với TP.HCM về nội dung cung cấp miễn phí gói dịch vụ điều trị F0 tại nhà (Home Care - Base). Trong đó, Bộ Y tế và UBND sẽ cung cấp túi thuốc an sinh gồm các loại thuốc điều trị bổ trợ và giao cho y tế cơ sở tại quận - huyện, xã - phường chuyển tới tận tay người dân F0 và thường trực tư vấn, hỗ trợ, phân loại nguy cơ, sẵn sàng vận chuyển người bệnh có dấu hiệu trở nặng đến cơ sở y tế.
Trước đó, nhiều bệnh viện tư đã chuyển đổi công năng để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức chuyển đổi công năng toàn bộ bệnh viện với quy mô ban đầu là 100 giường và có thể nâng lên 200 giường khi cần.
Bệnh viện Triều An thực hiện theo mô hình bệnh viện tách đôi với 100 giường chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19. Bệnh viện Xuyên Á cũng tách đôi với quy mô 125 giường. Bệnh viện Nam Sài Gòn, Bệnh viện quốc tế CHI .
Bệnh viện FV cũng tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên mới đây bệnh viện đã ra thông báo tạm ngưng tiếp nhận, do hết giường bệnh.