Theo thông tin từ Bộ Y tế ngày 27/7 cho thấy cả nước ghi nhận thêm tới 1.761 ca mắc Covid-19. Trong vòng 4 ngày (từ 24/7 đến 27/7), số ca mắc mới trong ngày đã tăng gấp hơn 2 lần (từ 748 lên 1.761).
Cũng theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 35 trường hợp mắc Covid-19 phải thở oxy. Trong đó, 27 ca thở oxy qua mặt nạ, 4 ca thở oxy dòng cao HFNC, một trường hợp thở máy không xâm lấn và 3 người phải thở máy xâm lấn.
Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở này đang điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân Covid-19.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, hầu hết bệnh nhân diễn biến nặng đang điều trị tại cơ sở y tế này là người lớn tuổi và/hoặc có bệnh lý nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, bệnh tim mạch, HIV.
Đa phần bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng là các trường hợp lớn tuổi, mắc bệnh lý nền, bệnh mạn tính và phụ nữ có thai với hệ miễn dịch yếu. Những trường hợp trên vốn đã có sức khỏe yếu, hệ miễn dịch kém. Khi mắc thêm Covid-19, sức khỏe của họ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Ngoài ra, sau khi dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát, người dân bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, các biện pháp phòng dịch không còn được thực hiện tốt.
Với đa số người dân, thời gian tiêm mũi 3 đã qua khoảng 6 tháng, kháng thể do vaccine cung cấp đã giảm xuống. Do đó, người dân có nguy cơ tái nhiễm và nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc bệnh cao.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết sau khi mắc bệnh hoặc được tiêm vaccine qua một thời gian nhất định, kháng thể sẽ giảm đi và có nguy cơ tái nhiễm trở lại cao.
Chuyên gia cũng lưu ý các trường hợp lớn tuổi, nhiều bệnh lý nền, diễn biến bệnh cũng nặng hơn người bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế, các bác sĩ vẫn gặp các bệnh nhân có độ tuổi không quá cao, không mắc bệnh lý nền nhưng vẫn diễn biến nặng.
Một vấn đề khác là các trường hợp nguy cơ kể trên cần kiểm soát tốt bệnh lý nền, từ đó hạn chế nguy cơ diễn biến nặng khi mắc Covid-19.